Đóng
 

Thứ sáu, 22/11/2024 | 21:47
22:15  |  30/04/2019

[ĐÁNH GIÁ XE] Ford F150 Raptor 2019 - Siêu bán tải đi phố?

Có lẽ không ai còn hoài nghi về khả năng off-road của “siêu bán tải” Ford F150 Raptor. Vậy còn khả năng “chinh phục” đường phố Hà Nội thì sao?

F-Series – Lẽ sống của Ford

Trong năm 2018 vừa qua, Ford bán được 909.330 chiếc F-Series tại Mỹ, trong đó doanh số F-150 chiếm đa số. Gần 1 triệu chiếc xe bán tải cỡ lớn trong 1 năm, tại đúng 1 thị trường là Bắc Mỹ! Doanh số khủng khiếp của dòng xe này khẳng định rằng đây là dòng xe quan trọng bậc nhất đối với hãng xe có biểu tượng hình ovan màu xanh. Chắc chắn, họ không dám mạo hiểm với con gà đẻ trứng vàng này trong mỗi lần nâng cấp.

Gần 1 triệu xe là doanh số khủng khiếp đối với bất kỳ hãng xe nào, nhưng phải so sánh với các dòng xe khác của Ford thì ta mới thấy vị thế của F-Series đối với hãng xe Mỹ này. Chỉ tính riêng doanh số trong 6 tháng đầu năm 2018 tại Mỹ, dòng F-Series đã nhiều hơn doanh số cả năm của tất cả mẫu SUV mà Ford phân phối trên quê nhà. Đúng, nhiều hơn doanh số cộng dồn cả năm 2018 của EcoSport, Escape, Edge, Flex, Explorer và Expedition cộng lại!

Không chỉ có doanh số khủng khiếp mà biên lợi nhuận của dòng F-Series cũng là thứ mà nhiều hãng xe đối thủ phải khao khát. Giá bán trung bình của 1 chiếc F-Series là 47.000 USD, quá đủ để liệt kê dòng xe này vào phân khúc xe sang. Với doanh số năm 2018, cứ mỗi 30 giây lại có 1 chiếc F-Series tìm được chủ nhân, 102 chiếc mỗi phút, bất kể là chủ nhật hay Lễ Giáng sinh. Nếu tính theo ngày thì trung bình, Ford bán được 2.452 chiếc F-Series mỗi ngày chỉ tính trên đất Mỹ!

Tổng cộng, Ford kiếm được 41 tỷ USD chỉ bằng việc bán những chiếc F-Series, lượng tiền nhiều hơn doanh thu cả năm của Coca-Cola, Nike hay Facebook. Chưa hết, một nghiên cứu của CNN cho thấy doanh số dòng F-Series mang lại 150% giá trị cổ phiếu cho Ford, ví dụ như doanh số F-Series tăng trưởng 5% thì sẽ mang lại 10% giá trị cổ phiếu. Vì lẽ đó, Ford không thể mắc sai lầm với mỗi đời F-Series, lại càng không thể sai sót với F150 Raptor, phiên bản hiệu năng cao trong dòng xe ăn khách nhất của họ.

Cuộc cách mạng nhôm

Năm 2015, Ford khiến mọi đối thủ phát sốt khi chính thức giới thiệu F-150 hoàn toàn mới với thân vỏ và hàng loạt bộ phận khác được chế tạo từ hợp kim nhôm. Thứ kim loại này không hề mới trong thế giới xe, Audi và Jaguar đã sản xuất nhiều dòng xe thân nhôm trước đó. Nhưng đây là lần đầu tiên một hãng xe lớn thử nghiệm loại vật liệu này trên một dòng xe có doanh số vài trăm ngàn chiếc mỗi năm. Đây là một canh bạc lớn đã được Ford chuẩn bị kỹ lưỡng từ năm 2009 và sau hơn 16 triệu kilô-mét thử nghiệm, những chiếc F-Series đời thứ 13 có thân nhôm đã sẵn sàng cho GM và Chrysler hít khói.

Bằng việc thay thế gần như toàn bộ tấm thân vỏ từ thép dày thành nhôm (trừ vách ngăn động cơ), Ford đã giảm được gần 340 kg trọng lượng xe mà không thay đổi quá nhiều kích thước tổng thể của F-150. Bên cạnh thân vỏ, lốc máy, nắp máy và phần lớn hệ thống treo cũng được chế tạo từ nhôm. Nhờ trọng lượng nhẹ hơn và các dòng động cơ EcoBoost tiên tiến, F-150 đời mới tiết kiệm nhiên liệu hơn đời cũ tới 23% theo số liệu của Ford.

Nhôm không chỉ nhẹ hơn mà còn bền bỉ hơn thép thông thường. Loại hợp kim nhôm sử dụng trên F-150 đạt tiêu chuẩn nhôm quân sự và ít bị móp méo hơn thép khi xảy ra va chạm nhẹ. Chưa hết, nhôm còn không bị gỉ. Khi tiếp xúc với không khí, nhôm có xu hướng tạo ra một lớp nhôm ô-xít cực mỏng bao phủ bên ngoài bảo vệ các phân tử nhôm bên trong, đó là lớp bột trắng mà bạn có thể sờ thấy khi tiếp xúc với các thanh nhôm trần. Nhôm sử dụng để làm thân xe được xử lý triệt để với các lớp mạ tĩnh điện, sơn lót và sơn bảo vệ nên không ngoa khi nói rằng thân vỏ những chiếc F-150 thế hệ mới sẽ sáng đẹp cho đến cuối vòng đời xe! Tất nhiên, vì là nhôm nên nếu bạn đâm đụng mạnh thì tấm thân vỏ bị ảnh hưởng sẽ không thể gò lại như thép được mà bạn phải thay mới.

Một đặc điểm ưu việt khác của nhôm là khả năng tái chế của chúng. Hiện tại, hơn ¾ lượng nhôm được sản xuất từ năm 1888 vẫn đang được sử dụng và tái chế nhiều lần cho đến ngày hôm nay, và chúng vẫn tiếp tục được nung chảy và hồi sinh trong tương lai! Khả năng tái chế cộng với việc nhôm nhẹ khiến xe ăn ít xăng hơn giúp những chiếc xe bán tải nhà Ford thân thiện hơn với môi trường so với đối thủ, một lợi thế cạnh tranh không nhỏ tại thị trường Mỹ.

Ford đã đầu tư hơn 3 tỷ USD để sở hữu năng lực sản xuất nhôm đủ để phục vụ sản lượng hơn 1 triệu chiếc F-Series mỗi năm. Dù giá vật liệu nhôm thô đắt gấp đôi thép nhưng nhờ khả năng tái chế tốt hơn và mức giá cao đến giật mình của những xe bán tải cỡ lớn, Ford đã làm được điều mà 2 ông lớn còn lại chưa làm được.

Tất nhiên, người dùng phải trả 1 số tiền lớn hơn để san sẻ chi phí sản xuất của Ford, nhưng các phiên bản F-150 đời 2015 chỉ đắt hơn đời trước khoảng 400 USD. Để chuẩn bị cho loại vật liệu mới này, Ford đã thực hiện chương trình đào tạo tới hơn 1.500 xưởng dịch vụ của họ tại Mỹ để mỗi xưởng sẽ có ít nhất 1 kỹ thuật viên chuyên sửa thân vỏ nhôm. Kết quả là nếu cần sửa chữa thân vỏ, khách hàng Mỹ chỉ cần di chuyển tối đa 2 tiếng là đã đến 1 xưởng chuyên sửa chữa nhôm.

Thiết kế đậm chất Mỹ

F150 Raptor là mẫu xe điển hình cho phong cách thiết kế xe của người Mỹ: to lớn, bệ vệ, vuông vức và có một bộ mặt hung dữ như thể sẵn sàng nuốt trọn chiếc xe đi trước nó. Điều đáng kể nhất mà Ford thực hiện với phiên bản Raptor là khiến nó hung dữ và cơ bắp hơn nhiều so với F-150 tiêu chuẩn. Phần đầu xe cực hầm hố với lưới tản nhiệt cỡ lớn với dòng chữ FORD được dập nổi và 3 đèn định vị màu vàng là điểm nhấn. Cụm đèn LED kết hợp với các dải LED định vị màu vàng khiến chiếc Raptor thực sự khác biệt với F-150 tiêu chuẩn.

Chưa hết, tấm cản trước bằng kim loại và các tấm khiên bảo vệ gầm xe cũng bằng kim loại, mang đến vẻ đẹp đậm chất Mỹ cho F-150 Raptor. Đúng vậy, những bộ phận chịu lực đều được chế tạo từ kim loại chứ không phải bằng nhựa như những chiếc SUV hay bán tải đường phố. Chúng ta đang nói đến biến thể Raptor, một cỗ máy off-road đích thực!

Chất hiệu năng cao còn được thể hiện bởi nắp capô với các khe thoát nhiệt sơn đen và vòm bánh xe nở rộng, tạo khoảng trống để chứa bộ lốp BF Goodrich K02 ngoại cỡ. Xe sử dụng cỡ lốp lên tới 315 mm ở 4 bánh, tức là lốp trước của F-150 Raptor còn lớn hơn lốp sau của siêu xe Ferrari 488 Pista! Lốp BF Goodrich này đi kèm la-zăng 18 inch có tính năng beadlock và có chiều cao 89 cm tính từ mặt đất. Beadlock là cụm từ quá quen thuộc với dân off-road, thiết kế này giúp cố định lốp vào la-zăng, ngăn chặn tình trạng trượt lốp khỏi la-zăng khi bạn xì bớt không khí trong lốp để chạy trên cát. Nó cũng rất hữu dụng khi bạn muốn drift trên cát, bùn hay sỏi đá.

Những điểm nhấn ở thân xe không chỉ dừng lại ở bộ lốp hàng khủng. Ta có các khe thoát nhiệt khoang động cơ ở tai xe – chúng thực sự có tác dụng chứ không chỉ để cho đẹp. Đi kèm với phần đầu xe hầm hố là các vòm bánh xe nở rộng được thiết kế không chỉ để mang lại ấn tượng thẩm mỹ mà còn tạo không gian cho những bộ lốp cỡ lớn. Cửa kính cũng được làm vát xuống 1 chút ở vị trí gần gương chiếu hậu. Thiết kế này để tăng tầm nhìn cho người lái. Bục bước lên xe được làm bằng kim loại mà theo Ford, bạn có thể tác động 1 trọng lượng 100 kg lên nó 84.000 lần mà không làm nó biến dạng. Nhìn về đuôi xe, ta seẽ thấy cụm đèn phanh dạng LED có thiết kế tương tự đèn pha ở đầu xe. Cảm biến quan sát điểm mù sau xe cũng được tích hợp vào cụm đèn này. Với tôi, đây là 1 thiết kế hơi thiếu hợp lý vì nếu như bạn bị đâm hỏng đèn xe, tức là cảm biến đắt tiền này cũng sẽ bị ảnh hưởng. Giá thay thế cảm biến này tại Mỹ là gần 900 USD.

Tấm cản sau cũng được làm bằng kim loại nên nếu bạn chạy sau 1 chiếc F-150 Raptor, hãy giữ khoảng cách 1 chút vì nếu “hôn mông” nó, chắc chắn xe bạn sẽ bị thiệt hại nặng hơn! Hai ống xả siêu lớn của chiếc F-150 Raptor cũng có thiết kế ngoại cỡ, tôi có thể đút vừa cả nắm đấm vào 2 họng súng đen ngòm này. Mở cửa thùng xe, bạn sẽ thấy 2 chi tiết khá thú vị: một là tấm kim loại cực nặng này có thụt thủy lực để đóng mở dễ dàng hơn, hai là Ford còn bố trí cả bậc thang để bạn bước lên xe dễ dàng hơn!

Về kích thước tổng thể, Ford F-150 Raptor thực sự là một ngôi nhà di động. Xe dài 5.890 mm, rộng 2.192 mm, cao 1.993 mm, chiều dài cơ sở đạt mức 3.708 mm. Những thông số cũng rất “khủng” khác là khoảng sáng gầm xe đạt mức 249 mm, trọng lượng khô 2.714 kg. Đây là một mẫu xe mà nhiều người đánh giá rằng không phù hợp với điều kiện đường sá Việt Nam. Đó cũng là mục tiêu của bài đánh giá của tôi hôm nay – liệu F-150 Raptor có thể đi phố Hà Nội giờ tan tầm được không? Chúng ta sẽ tìm hiểu điều đó ở phần trải nghiệm, còn bây giờ, hãy bước vào trong khoang cabin của chú khủng long Mỹ này.

Bạn sẽ choáng ngợp khi lần đầu tiên ngồi vào ghế lái của Ford F-150 Raptor. Choáng ngợp vì không gian rộng rãi hơn cả Rolls-Royce của nó và vì cả trăm nút bấm lớn nhỏ rải rác xung quanh khoang cabin. Hãy đếm thử xem trên chiếc vô lăng ngoại cỡ của F-150 Raptor, ta có bao nhiêu nút bấm. Câu trả lời là 30 nút bấm và 1 cần gạt! Chi riêng việc nhớ hết tác dụng của từng nút này đã ngốn của bạn một khoảng thời gian kha khá rồi. Dù vậy, công bằng mà nói thì các nút chức năng trrên vô lăng Raptor được sắp xếp rất khoa học, vô lăng được chỉnh điện 4 hướng và có đủ tính năng bạn muốn: sưởi vô lăng, đàm thoại rảnh tay, ga tự động thích ứng (Adaptive Cruise Control). Bên cạnh đó, 2 lẫy chuyển số bằng kim loại và  vạch đỏ hướng 12 giờ luôn nhắc nhở rằng bạn đang cầm lái 1 chiếc xe hiệu năng cao.

Phía sau vô lăng là một cụm đồng hồ cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết. Chất thể thao được thể hiện bởi kim đồng hồ màu đỏ và các vạch số màu trắng. Ở giữa là một màn hình LCD 8 inch hiển thị hàng chục thông tin khác nhau cùng lúc, từ những thứ cơ bản như lượng xăng còn lại, quãng đường còn lại, nhiệt độ dầu, nước làm mát thì màn hình này còn hiển thị những thứ rất “chất”, như áp suất turbo, góc đánh lái, góc nghiêng của thân xe khi off-road v.v..

Nhìn sang khu vực táp lô, bạn sẽ không tránh khỏi cảm giác ngợp tiếp theo vì hàng loạt tính năng, nút bấm “đập” vào mặt. Đừng vội choáng váng vì bạn sẽ cần ghi nhớ những tính năng nổi bật của F-150 Raptor: màn hình giải trí 8 inch chạy giao diện Sync 3 hỗ trợ Android Auto, Apple CarPlay, giao tiếp bằng giọng nói và có thể phát wifi cho 10 thiết bị. Hành khách ngồi trên được phục vụ tận răng với hệ thống điều hòa độc lập, 2 cổng USB, 1 cổng 12V, 1 cổng 110V và hệ thống làm mát, sưởi ấm ghế. Cơn bão nút bấm vẫn chưa hết thúc vì Ford còn bố trí sẵn những nút chờ trên trần xe để chủ xe dễ dàng độ thêm những món đồ chơi hữu ích, ví dụ như đèn LED trợ sáng, tời điện v.v…

Người ngồi sau cũng sẽ không hụt hẫng. Họ có cửa gió điều hòa riêng, hệ thống sưởi ghế, 2 cổng USB và 1 cổng điện 110V. Cần lưu ý là đây là xe nhập Mỹ nên chỉ cung cấp điện 110V thay vì 230V như Ranger Wildtrak bán tại Việt Nam. Chưa hết, hàng ghế này có thể lật lên để tạo thêm không gian chứa đồ. Tất nhiên, với bề rộng cực thoải mái của F-150 Raptor thì 3 người lớn có thể ngồi thoải mái ở hàng ghế sau với lưng ghế cũng có độ ngả rất ổn.

Trải nghiệm sức mạnh Raptor trong phố

Thay đổi lớn nhất tạo ra sự khác biệt giữa Raptor mới với Raptor cũ là động cơ. Trên bản 2019 này, động cơ V6 3.5L tăng áp kép đã thay thế động cơ V8 6.2L nạp khí tự nhiên của F-150 Raptor thế hệ trước. Động cơ V6 EcoBoost dung tích 3.5 lít của F150 Raptor chia sẻ tới 70% thành phần với động cơ của siêu xe Ford GT, với lốc máy và nắp máy giống nhau hoàn toàn. Một thiết kế mới đáng kể là cỗ máy V6 này có 2 hệ thống phun nhiên liệu, kết hợp cả phun nhiên liệu gián tiếp trước van nạp và trực tiếp ngay trong buồng đốt. Khi đi chậm rãi, từ tốn, ECU sẽ sử dụng các vòi phun nhiên liệu gián tiếp để tiết kiệm xăng, khi chạy nhanh, ga mạnh, động cơ sẽ sử dụng hệ thống phun nhiên liệu trực tiếp. Động cơ V6 3.5L sản sinh 450 mã lực và 690 Nm.

So với động cơ V8 đời trước, động cơ V6 EcoBoost mạnh hơn 39 mã lực và quan trọng hơn, sản sinh nhiều lực mô-men xoắn hơn trong dải tua vòng rộng hơn. Cụ thể, khối V6 3.5L sản sinh nhiều hơn đàn anh V8 tới 102 Nm tại tua máy 3.500 vòng/phút, sớm hơn 1.000 vòng/phút. Việc chuyển sang cấu hình tăng áp kép đã thay đổi hoàn toàn trải nghiệm của chiếc F-150 Raptor mới.

Một nâng cấp quan trọng không kém là hộp số Getrag 10R80 10 cấp. Việc có tới 10 cấp số khiến chiếc xe tăng tốc tốt hơn và mượt mà hơn so với hộp số 6 cấp. Hộp số 10 cấp của F-150 Raptor được cấu thành bởi các bộ phận bằng thép, nhôm và vật liệu composite để tối ưu cân nặng và độ bền.

Hộp số 10 cấp này được Ford phát triển chung với đại kình địch GM. Hộp số này được áp dụng trên F150 Raptor đầu tiên rồi mới đến các dòng sản phẩm thấp hơn như Ranger hay Everest. Những cấp số đầu của hộp số 10 cấp có tỷ số truyền ngắn và có biên độ tăng không quá “gắt” khi chuyển qua lại các cấp số nên mang lại sự tăng tốc vừa nhanh chóng lại vừa êm ái. Cũng chính vì có tới 10 cấp số nên các kỹ sư Ford “có quyền” sử dụng tỷ số cực ngắn cho cấp số 1 (4,69:1) để giúp xe tăng tốc nhanh ở tốc độ thấp và tỷ số rất dài cho cấp số 10 (0,63:1) để tiết kiệm xăng ở tốc độ đường trường. Độ bền của hộp số này cũng là thứ Ford tự hào – họ đảm bảo hộp số chỉ cần thay dầu mỗi 240.000 km di chuyển!

Kết quả của động cơ tăng áp kép mới và hộp số 10 cấp là ta có một chiếc xe cực êm ái khi đi phố và không hề khó lái một chút nào. Tất nhiên, nếu ai đã quen cầm lái những chiếc sedan hạng C thì sẽ bị ngợp khi nhảy lên 1 chiếc xe to lớn hơn nhiều. Đối với bản thân tôi, chỉ sau vài kilô-mét là cảm giác ngợp không còn nữa, thay vào đó là sự thích thú với tầm nhìn vô cùng thoáng đãng và cao hơn tất cả những chiếc xe xung quanh. Đó chẳng khác nào bạn đứng ở ban công tầng 2 và nhìn xuống mặt đường! Lực mô-men xoắn dồi dào ở tua vòng thấp và hộp số có tỷ số truyền ngắn ở các cấp số đầu khiến chiếc xe dễ dàng chiến thắng độ lỳ bởi trọng lượng gần 3 tấn và lướt nhanh về phía trước khi tôi mới vừa khẽ đạp chân ga.

Khi ra cao tốc, 3 cấp số dài (8, 9, 10) khiến chiếc xe dễ dàng đạt tốc độ 3 con số mà không phải gầm gào quá nhiều. Vượt xe khác cũng là công việc quá dễ dàng với 450 con ngựa nhốt dưới nắp capô F-150 Raptor, dù động cơ vẫn bị trễ tăng áp một chút dù không quá khó chịu. Hệ thống treo cũng làm việc trên mức kỳ vọng của tôi. Khi qua các giờ giảm tốc với tốc độ nhanh một cách có chủ ý, chiếc xe vẫn cực kỳ cân bằng như thể đang đi trên đường bằng!

Tuy nhiên, nếu cứ đi tà tà trong phố thì ta sẽ không khám phá hết khả năng của bộ phuộc live valve của Fox Racing. Không quá khi nói rằng hệ thống treo là nâng cấp đáng giá nhất của bản Raptor so với bản thường. Fox đã làm việc trực tiếp với chi nhánh hiệu suất cao Ford Performance để phát triển phuộc Live Valve 3.0 này dành riêng cho Raptor.

Cái hay của hệ thống phuộc này là nó có thể thay đổi lực giảm chấn tùy theo độ nhún của phuộc. Khi chạy đường nhựa, đường đẹp, dầu ở bình dầu phụ được thoải mái lấp đầy pít-tông chính, tạo ra trải nghiệm êm ái trên đường bằng. Nếu bạn đi off-road, các van ngăn cách bình dầu phụ và pít-tông chính có nhiệm vụ giới hạn lượng dầu chảy vào pít-tông, qua đó tạo ra lực giảm chấn tăng dần theo hành trình phuộc. Nói 1 cách đơn giản thì chiếc Raptor có thể êm ái trên đường bằng nhưng lại vô cùng cân bằng và bám đường khi chạy trên cát hay sỏi đá.

Điểm ưu việt tiếp theo là các thanh giảm chấn này được điều khiển điện tử. Máy tính sẽ dựa vào hàng loạt cảm biến như cảm biến vị trí bánh xe, cảm biến gia tốc, vị trí vô lăng, v.v.. để điều chỉnh độ giảm chấn theo thời gian thực. Các thanh phuộc siêu khủng của FOX có hành trình lên tới 355 mm, thoải mái để chiếc xe bay nhảy, vượt đồi cát, vượt đá hộc v.v.. Như vậy, đây là chiếc xe hoàn hảo nếu như bạn muốn khám phá những cung đường off-road khó nhằn với nhóm bạn thân mỗi dịp cuối tuần. Tất nhiên là thùng xe lớn phía sau thừa sức chở 2 chiếc xe mô tô địa hình.

Kết luận

Do thời gian trải nghiệm hạn hẹp nên tôi đã không có dịp phát huy hết khả năng của Ford F-150 Raptor. Tuy vậy, nếu cứ sử dụng chú “khủng long” này như một chiếc xe gia đình bình thường thì nó vẫn đáp ứng tốt với sức mạnh lớn, nội thất vô cùng rộng rãi và sự êm ái tuyệt vời. Để rồi mỗi dịp cuối tuần, Ford F-150 Raptor sẵn sàng cùng bạn khám phá mọi miền tổ quốc, từ vùng Tây Bắc hiểm trở cho đến những đồi cát bất tận tại Bàu Trắng. Bất kể cung đường nào bạn chọn, F-150 Raptor luôn sẵn sàng.

Điểm: 8.5/10

Ưu điểm:

- Thiết kế đẹp
- Hiệu năng ấn tượng
- Êm ái khi đi phố

Nhược điểm:

- Quá to lớn đối với đường sá Việt Nam
- Không có “đất dụng võ”
- Màn hình trung tâm quá nhỏ, nhiều chi tiết nội thất vẫn là nhựa cứng

Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)       

Tags: Ford   Ford F-150   xe bán tải   F-150 Raptor   Xe Mỹ  

Tư vấn

Lựa chọn SUV phân khúc 1,5 tỷ liệu có khó?

Tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe SUV cỡ 1,5 tỷ luôn là phân khúc khác biệt hoàn toàn so với các phân khúc giá rẻ, bởi khách hàng lựa chọn mua xe ở phân khúc này đều có những...