Đóng
 

Thứ sáu, 22/11/2024 | 19:27
12:17  |  27/06/2020

"Giải mã" nguyên nhân xe ô tô khách đang lưu thông trên đường bỗng dưng... cháy

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cháy xe ôtô khi đang chạy trên đường, song qua các sự cố vừa xảy ra cho thấy, yếu tố gây ra chủ yếu vẫn do sự chủ quan, thiếu hiểu biết của người sử dụng.

Những ngày nắng nóng gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp đưa tin về những vụ hỏa hoạn xảy ra đối với xe ôtô khi đang chạy trên đường phố. Nhiều vụ xe ôtô đang chở hàng chục hành khách, chạy với tốc độ cao trên quốc lộ đột nhiên bùng cháy.  

Liên tiếp xảy cháy xe khách khi đang chạy

Trong vụ cháy vào khoảng 19h30 ngày 20-6, trên đường vành đai 3, đoạn gần Công viên Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội), chiếc xe ôtô khách loại 45 chỗ đang chạy bỗng dưng bốc cháy, chỉ trong ít phút toàn bộ thân vỏ chiếc xe đã trơ khung thép. Theo lực lượng chức năng cho biết, ô tô khách BKS: 29B-090.XX bị cháy rụi hoàn toàn. Rất may, vào thời điểm xảy ra vụ cháy, trên xe không có hành khách nên không có thiệt hại về người. Người điều khiển xe là anh Nguyễn Văn L (SN 1981, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội) kịp thoát nạn trước khi lửa bao trùm toàn bộ chiếc xe.

Cũng trong ngày 20-6, tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa một chiếc xe ô tô chở khách loại 45 chỗ, di chuyển theo hướng Hà Nội - Thanh Hóa, đến cầu Nguyệt Viên, thành phố Thanh Hóa thì bất ngờ bốc cháy. Người điều khiển xe nhanh chóng dừng phương tiện cho hành khách và phụ xe cùng mình thoát ra ngoài. Lực lượng chức năng điều tiết, chuyển hướng phương tiện tham gia giao thông, phục vụ chữa cháy kịp thời.

Trước đó, vào chiều 31-5, xe du lịch mang biển kiểm soát do Công an TP Hà Nội cấp, đang lưu thông trên Tỉnh lộ 454, theo hướng từ huyện Hưng Hà đi TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình), đã bất ngờ bốc cháy từ phía sau xe và nhanh chóng cháy lan ra toàn bộ xe. Hai người ngồi trong xe lúc đó đã kịp thời thoát ra ngoài.

“Trong 3 vụ cháy xảy ra gần đây nhất cho thấy một phần kiến thức, kinh nghiệm của các lái xe còn hạn chế và ý thức về an toàn PCCC đối với các chủ phương tiện còn chưa cao” - Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội phân tích và nhấn mạnh nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy khi xe ôtô đang chạy một phần do xăng, dầu kém chất lượng gây cháy. 

Tuy nhiên, nguyên nhân này ít xảy ra bởi theo kết luận của cơ quan công an từ những vụ cháy xe ôtô xảy ra vừa qua cho thấy, sự thiếu ý thức quan tâm, bảo dưỡng và sử dụng xe của chủ sở hữu và và người điều khiển là nguyên nhân chính gây ra các vụ cháy, nổ phương tiện khi đang lưu thông. Điển hình như vụ chiếc xe ôtô du lịch chạy qua đống rơm ở TP Thái Bình, khi xe này đi được quãng đường chưa xa thì lửa bốc cháy ở phần đuôi xe. Qua khám nghiệm hiện trường vụ cháy đã cho kết quả, rơm là thủ phạm gây cháy vì trước đó cuốn mắc vào ống xả xe ôtô.

Xe khách đang chạy bỗng phát cháy tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa

“Độ” xe, lắp thêm thiết bị điện ngoại lai là nguyên nhân gây cháy

Đa số lái xe có suy nghĩ đơn giản là lắp thêm bộ âm thanh hoặc bộ đèn nháy, chế gương điện vào xe ôtô là không ảnh hưởng đến máy móc. Tuy nhiên, trên thực tế sự tùy tiện dù chỉ đơn giản về sở thích nhất thời như dán giấy màu vào nắp capo nhằm đổi màu sơn theo phong thủy, cũng sẽ là nguyên nhân dẫn đến hư hỏng máy móc do hạn chế sự tản nhiệt và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn là om nhiệt dẫn đến cháy xe.  

“Lái xe chuyên nghiệp và chơi xe ôtô có kinh nghiệm thì việc “độ” xe và lắp thêm thiết bị phải được cân nhắc rất kỹ lưỡng. Bởi các thông số kỹ thuật trên xe ôtô đã được nhà sản xuất thiết kế cho từng loại xe rất chi tiết và không thừa, hoặc thiếu. 

Việc lắp thêm thiết bị như loa - đài, hệ thống đèn trang trí và các đồ chơi ngoại lai khác đều có thể làm ảnh hưởng chung đến động cơ và hệ thống điện bởi các thông số không được tính toán như nhà sản xuất đã tính toán để phù hợp với từng loại xe. Đó là chưa kể khi thay thế, lắp đặt thêm đồ chơi cho xe, chỉ là những “tay thợ” học mót nghề chứ không phải là những người được đào tạo qua trường lớp sửa chữa có bài bản. 

Chính vì vậy, việc lắp thêm thiết bị vào xe ôtô theo ý thích của cá nhân mà không tuân thủ quy định về điện trở của phương tiện, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cháy xe”, anh Nguyễn Văn Thành, một lái xe chạy tuyến Bắc - Nam đã gần 20 năm chia sẻ.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàng Mai dập lửa xe khách bị cháy

Trở lại vụ chiếc xe ôtô loại 45 chỗ, bốc cháy trên đường vành đai 3, lái xe cho hay vừa đưa vào xưởng sửa chữa về đến đoạn Công viên Yên Sở thì bất ngờ bốc cháy. 

Về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng CAQ Cầu Giấy phân tích: “Có thể sau khi bảo dưỡng máy móc, thợ sửa chữa xe đã vô tình động chạm vào các búi dây điện làm chúng xoắn vào nhau mà không biết. Khi máy vận hành đã gây ra cọ xát, làm hở lõi đồng và tia lửa điện phát vào hơi xăng, dầu rò rỉ gây cháy. Có những chi tiết tưởng không ảnh hưởng đến an toàn khi vận hành xe, nên nhiều lái xe thường bỏ qua. Chẳng hạn như trong khi sửa chữa, những giẻ lau dính dầu, mỡ vương vào cổ ống xả mà không biết và khi máy vận hành sẽ là nguyên nhân gây cháy xe”.

Anh Nguyễn Văn Ký, chủ gara Trung tâm bảo trì, bảo dưỡng Tân An, tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho hay: “Kinh nghiệm sửa chữa nhiều năm với việc đại tu hàng chục chiếc xe bị chập điện, gây cháy cho thấy xe bị ngập nước mà không thay thế thiết bị điện cũng là nguyên nhân gây chập cháy xe. Xe giường nằm chở khách loại 45 chỗ xảy cháy liên tục trong thời gian vừa qua cho thấy, một phần do nắng nóng và xe vận hành trên quãng đường dài khiến các thiết bị quá tải cũng gây cháy. 

Đặc biệt, đối với xe khách giường nằm lắp đặt nhiều thiết bị ngoại lai không đạt tiêu chuẩn, chất lượng như bộ phát wifi, ổ cắm sạc điện thoại, nhằm trang bị để phục vụ hành khách là những nguy cơ tiềm ẩn gây cháy, nổ xe ôtô. Đây là những nguyên nhân bắt nguồn từ sự thiếu ý thức của chủ sở hữu phương tiện, không tuân thủ an toàn phòng cháy và an toàn giao thông”.

Cách đây không lâu, mạng xã hội đã đưa hình ảnh trên chuyến xe khách đường dài từ vùng cao miền núi phía Bắc, vận chuyển hành khách vào phía Nam có một người đàn ông nghiện thuốc lá đã hút trộm trên xe trong đêm. Hành vi này đã bị lái phụ xe phát hiện, yêu cầu dập tắt thuốc lá. Chỉ một sự thiếu ý thức của hành khách, cũng có thể gây cháy khi xe đang vận hành. 

Do đó, sự tuân thủ quy định an toàn PCCC như trang bị bình chữa cháy theo xe, không “chế” thêm những gì không thuộc chủng loại của xe và yêu cầu của nhà sản xuất đã tính toán là rất quan trọng, cần được chủ sở hữu và người điều khiển xe nghiêm túc thực hiện.

Ánh Nguyệt (ANTĐ)

Tư vấn

Lựa chọn SUV phân khúc 1,5 tỷ liệu có khó?

Tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe SUV cỡ 1,5 tỷ luôn là phân khúc khác biệt hoàn toàn so với các phân khúc giá rẻ, bởi khách hàng lựa chọn mua xe ở phân khúc này đều có những...