Thần may mắn đã mỉm cười với Tesla khi họ có cơ hội sở hữu một nhà máy sản xuất cỡ lớn mà chẳng phải bỏ ra 1 xu nào. Khoản trợ cấp chính phủ và đợt IPO thành công cũng tiếp thêm động lực cho start up non trẻ này.
Tổng hợp các phần trước của series lịch sử Tesla
Phần 7 – Tesla Model S – Thành công bước đầu
Tháng Một năm 2009, khi cuộc Đại suy thoái vẫn chưa hạ nhiệt, hàng loạt hãng xe tháo chạy khỏi Triển lãm Detroit, sự kiện trưng bày và giới thiệu xe uy tín hàng đầu Bắc Mỹ. Nhờ đó, Tesla thuê được một rạp trưng bày với giá rẻ. Fisker cũng sở hữu một rạp trưng bày khang trang đối diện tiền sảnh, với sàn gỗ và một dàn kiều nữ tóc vàng tạo dáng thướt tha bên dàn xe bóng bẩy. Trái lại, Tesla chỉ có chiếc Roadster, hệ truyền động được trưng bày riêng và không một mẩu hoa giấy.
Tuy nhiên, những công nghệ mà Tesla phô diễn là đủ để thu hút sự chú ý của những đại gia. Không lâu sau triển lãm, Daimler ngỏ ý hợp tác hợp tác với Tesla với chương trình xe điện của họ. Các giám đốc của Tesla dự kiến tới thăm trụ sở Tesla trong khoảng 1 tháng sau sự kiện, và các kỹ sư Tesla quyết định sẽ khiến họ phát sốt khi tung ra 2 chiếc CLS mà họ biến thành xe điện. Khi các giám đốc Daimler chứng kiến những gì Tesla làm được, họ đã đặt hàng 4.000 bộ pin cho dàn xe thử nghiệm của họ tại Đức. Tesla cũng trưng bày thành quả với Toyota và đạt được thỏa thuận làm ăn với họ.
Tháng Năm năm 2009, mọi thứ bắt đầu khả quan hơn với Tesla. Model S ra mắt suôn sẻ, tiếp theo là Daimler mua lại 10% cổ phần của Tesla với giá 50 triệu USD. Hai công ty cũng thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược, cho phép Tesla cung cấp các bộ pin cho hàng nghìn chiếc Smart của Daimler. “Số tiền đó rất quan trọng và đã tạo ra lợi nhuận lâu dài. Quan trọng hơn, đó còn là sự công nhận. Đây là một công ty chế tạo động cơ đốt trong và họ đang đầu tư vào chúng tôi”, O’Connell, Giám đốc tại Tesla chia sẻ. Việc hợp tác này chắc chắn cũng khiến Bộ Năng lượng Mỹ cảm thấy những gì Tesla đạt được là có thật, đến cả Mercedes-Benz cũng đồng tình cơ mà!
Tháng Một năm 2010, những điều đó đủ đảm bảo để Bộ Năng lượng thông qua một thỏa thuận cho vay trị giá 465 triệu USD dành cho Tesla. Số tiền đó lớn hơn rất nhiều so với kỳ vọng của Musk đối với chính phủ, nhưng nó cũng chưa đủ con số 1 tỷ USD cần thiết để sản xuất hàng loạt mẫu Model S. Vì vậy, tuy Elon Musk và O’Connell sướng run khi nhận được tiền, họ vẫn băn khoăn liệu họ có đạt được mục tiêu hay không. Có lẽ Tesla cần thêm một món quà trời cho nữa để có một nhà máy sản xuất xe hơi thực sự. Tháng Năm năm 2010, một phép màu đã xảy ra.
Năm 1984, General Motors và Toyota đã bắt tay nhau xây dựng tập đoàn New United Motor Manufacturing Inc, hay NUMMI, trên nền một xưởng lắp ráp cũ của GM tại Fremont, California, thành phố nằm rìa Thung lũng Silicon. Hai siêu tập đoàn này hy vọng cơ sở chung này sẽ cho ra đời những mẫu xe hơi tinh túy nhất của Mỹ và Nhật Bản với chất lượng cao hơn, chi phí sản xuất rẻ hơn. Nhà máy dự tính sản xuất hàng triệu chiếc Chevrolet Nova và Toyota Corolla mỗi năm. Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính. Cuộc Đại suy thoái năm 2008 ập đến, GM nhận ra mình phải cố thoát khỏi bờ vực phá sản. Năm 2009, GM quyết định từ bỏ nhà máy và Toyota cũng tiếp bước ngay sau đó khi tuyên bố đóng cửa toàn bộ cơ sở và để lại 5.000 người thất nghiệp.
Bất thình lình, Tesla có cơ hội mua lại nhà máy khổng lồ có diện tích lên tới 50 hécta diện tích ở ngay sân sau của họ. Chỉ một tháng sau khi chiếc Toyota Corolla cuối cùng rời dây chuyền sản xuất vào tháng 4/2010, Tesla và Toyota đã công bố thỏa thuận hợp tác và chuyển giao nhà máy. Tesla đồng ý trả 42 triệu USD cho phần lớn diện tích nhà máy, vốn từng được định giá 1 tỷ USD, trong khi Toyota đầu tư 50 triệu USD vào Tesla, đổi lấy 2,5% cổ phần công ty. Về cơ bản, Tesla đã mua được một nhà máy với đầy đủ cơ sở vật chất mà chẳng tốn xu nào!
Musk, như cá tính vốn có của anh, vô cùng khoái chí với chuỗi vận may đến với Tesla. Ngay sau khi thỏa thuận về nhà máy chốt lại vào mùa hè năm 2010, Tesla bắt đầu tiền trình nộp đơn IPO. Công ty cần nhiều vốn nhất có thể để đưa chiếc Model S ra thị trường và xúc tiến các dự án khác của họ. Tesla hy vọng sẽ huy động được 200 triệu USD từ đợt lên sàn này.
Với Musk, IPO Tesla là một lựa chọn bắt buộc, dù anh không hẳn là thích điều này. Ngay từ khi khởi nghiệp với Zip2, Elon Musk luôn cố gắng duy trì quyền kiểm soát tuyệt đối với công ty của anh. Dù Musk vẫn sẽ là cổ đông lớn nhất sau khi IPO nhưng công ty cũng sẽ phải chịu bản chất thất thường của thị trường chứng khoán. Musk, một người luôn suy nghĩ dài hạn, sẽ phải đối mặt với sự chất vấn không ngớt của những nhà đầu tư chỉ tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Tesla sẽ không tránh khỏi bị công chúng soi xét, cũng như buộc phải công khai sổ sách trong các bản báo cáo. Điều này thật tệ vì Musk vốn ưa hoạt động trong bí mật hơn, và tình hình tài chính của Tesla đang khá u ám. Công ty chỉ có một sản phẩm đang bày bán (chiếc Roadster), phải gánh chi phí phát triển khổng lồ và sút chút nữa phá sản chỉ vài tháng trước.
Trong số những trang báo đả kích Tesla nhiều nhất thì Jalopnik là thành viên hăng hái hơn cả. “Không có từ ngữ nào chính xác hơn, Tesla là một hố chôn tiền”, trang này viết nhân ngày Tesla phát đi thông cáo rằng hãng sẽ IPO trong thời gian tới. “Kể từ khi thành lập năm 2003, Tesla đã hứng chịu khoản thua lỗ lên đến 290 triệu USD, tương ứng với chỉ 147,6 triệu USD doanh thu”. Từ một nguồn tin dấu tên, Jaloplik tiếp tục nhạo báng việc Tesla hy vọng sẽ bán được 20.000 chiếc Model S với giá từ 58.000 USD mỗi chiếc. “Ngay cả nếu xét đến lượng cung được xem là đang tăng cho các mẫu xe điện như Model S thì đó vẫn là mục tiêu quá tham vọng đối với 1 công ty dự định ra mắt một sản phẩm xa xỉ trong 1 thị trường đang giảm. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều ví dụ cho thấy ngành xe hơi tàn khốc tới mức nào, và các hãng xe khác không đơn giản là sẽ biếu không khách hàng cho Tesla”. Thật chứ? Jalopnik viết như thể họ được tài trợ bởi Shell vậy!
Tuy vậy, ngày 29/06/2010, Tesla vẫn lên sàn. Họ huy động được 226 triệu USD và giá cổ phiếu công ty tăng vọt 41% ngay hôm đó. Các nhà đầu tư đã bỏ qua 55,7 triệu USD thua lỗ của Tesla trong năm 2009 và hơn 300 triệu USD mà công ty tiêu trong suốt 7 năm. Đây cũng là hãng xe hơi Mỹ đầu tiên tuyên bố IPO kể từ khi Ford cổ phần hóa vào năm 1956. Các đối thủ vẫn xem Tesla là những kẻ học đòi khó chịu, thường xuyên “cầm đèn chạy trước ô tô”. CEO của Nissan, Carlos Ghosn, đã nhân một sự kiện ra mắt xe để nhắc nhở mọi người rằng Tesla chẳng khác gì một hãng xe tí hon tầm thường, và công ty ông dự định xuất xưởng 500.000 xe điện trong năm 2012.
Ngập trong tiền vốn, Musk tuyển thêm vài đội kỹ sư và đẩy mạnh việc phát triển Model S. Tesla cũng chuyển văn phòng chính từ San Mateo sang một tòa nhà lớn hơn ở Palo Alto, Von Holzhausen cũng mở rộng thêm đội ngũ thiết kế tại Los Angeles. Phiên bản xe nguyên mẫu sẵn sàng thương mại hóa đầu tiên của Model S được hoàn thành dưới tầng hầm văn phòng Palo Alto với phần thân vỏ được dập mới từ nhà máy Fremont, một bộ pin được thiết kế và sản xuất tại nhà máy và các linh kiện điện mới toanh. “Chúng tôi hoàn toàn nguyên mẫu này vào 2 giờ sáng, và phấn kích đến nỗi lái nó mà chẳng cần kính, nội thất hay mui xe”, Javidan, Giám đốc dự án Model S chia sẻ.
Khoảng 2 ngày sau, Elon Musk đến để kiểm tra chiếc xe. Anh lái nó đến bên kia tầng hầm, và ở lại đó một mình cùng với chiếc xe. "Quá trình ấy lặp lại nhiều lần, và nhìn chung thì nhận xét của Musk vừa tích cực, vừa mang tính xây dựng. Chúng tôi cố gắng để anh ấy tự lái mỗi khi có thể, và anh ấy luôn đưa ra những yêu cầu như thân vỏ phải khít hơn hoặc điều gì đại loại thế trước khi chạy đi cho kịp một cuộc họp khác”, Javidan kể lại.
Khoảng hơn 10 chiếc xe đời đầu ra đời nhanh chóng. Hai chiếc được gửi đến các nhà cung cấp như Bosch để chế tạo hệ thống phanh, trong khi những chiếc khác được dùng trong những lần kiểm định và chỉnh sửa thiết kế cuối cùng. Các giám đốc Tesla luôn đảm bảo số lượng xe ít ỏi này tuân thủ một lịch trình khắt khe, luân chuyển liên tục để đảm bảo tiến độ hoàn thiện xe với số lượng xe ít hơn các hãng lớn nhiều lần. “Các anh chàng Toyota và Daimler không thể bì kịp. Họ có thể sẽ cần 200 chiếc chiếc xe đời đầu, và cả ngàn chiếc xe đời hai. Tại đây, chúng tôi đang xử lý mọi công đoạn từ kiểm tra va chạm cho đến thiết kế nội thất với chỉ khoảng 15 chiếc xe. Đó là thành tựu mà họ không thể tưởng tượng nổi.”, Javidan chia sẻ.
Có những lúc Musk nhấn chìm cả nhóm kỹ sư Tesla bởi những yêu cầu của anh. Elon Musk từng mang một bản mẫu chiếc Model S về nhà trong dịp cuối tuần, để rồi trở lại và thứ Hai và yêu cầu thay đổi tới 80 điểm khác nhau. Musk thường không ghi chép lại mà nhớ những điểm cần thay đổi này trong đầu. Khi anh nói về chúng, sẽ luôn có 2 trợ lý cố gắng ghi chép lại một cách chi tiết nhất có thể. Nếu đứng trong đội ngũ kỹ sư của Tesla, bạn hoặc phải làm theo yêu cầu của Musk, hoặc phải chuẩn bị đào bới hàng tá tài liệu để giải thích vì sao mình không làm được điều gì đó.
Năm 2012, khi công đoạn phát triển chiếc Model S gần hoàn toàn, Musk cũng cải thiện phong cách phân tích và yêu cầu của anh. Mỗi tối thứ Sáu, anh lại xem xét chiếc Model S với Von Holzhausen tại xưởng thiết kế ở Los Angeles. Musk nhảy vào ghế lái còn Von Holzhausen ngồi kế bên. Cả hai ngồi soi sét từng chi tiết trên xe. Có một vết bục vải ở mép kính lái và Musk quả quyết rằng khi trông thấy nó, anh cảm giác như ngàn mũi dao tí hon đang đâm vào mắt anh. Điều đó là không thể chấp nhận được. Thế là kỹ sư Tesla phải tìm hiểu xem đâu là hãng cung cấp kính lái tốt nhất thế giới, rồi làm việc với họ để cải thiện kính lái họ cung cấp hơn nữa.
Ngày 22/6/2012, Tesla đã mời toàn bộ nhân viên, một số khách hàng đầu tiên và giới truyền thông đến nhà máy của hãng ở Fremont để chứng kiến loạt xe Model S đầu tiên được giao đến tận nhà khách hàng. Tùy thuộc xem bạn lên cấu hình xe như thế nào, những chiếc xe đầu tiên vẫn trễ hẹn từ 18 tháng đến 2 năm. Một số đợt chậm trễ là do Elon Musk nghĩ ra hàng loạt tính năng quái dị nào đó, nhưng một số đợt chậm trễ cũng đến từ việc Tesla là một công ty non trẻ đang học cách sản xuất ra một chiếc xe điện vượt trội so với phần còn lại.
Những người lần đầu tiên nhìn thấy nhà máy của Tesla đã há hốc mồm đầy ngạc nhiên. Musk cho sơn 5 chữ T-E-S-L-A màu đen khổng lồ ở bên hông tòa nhà hành chính, để bất kỳ ai lái xe ngang qua đều nhận ra sự hiện diện của công ty. Bên trong nhà máy vốn mang tông màu xám tối của General Motors và Toyota cũng được trang trí lại theo gu thẩm mỹ của Musk. Sàn nhà được phủ nhựa dính màu trắng muốt, tường và xà nhà cũng được sơn trắng, còn phần lớn các loại máy móc, máy dập khổng lồ được sơn đỏ chói khiến nơi đây trông giống như một nhà máy chuyên sản xuất đồ chơi cho ông già Noel vậy. Giống với SpaceX, bàn làm việc của kỹ sư được bố trí ngay trên sàn nhà máy, được ngăn cách chỉ bằng những vách ngăn sơ sài. Musk cũng có một ô làm việc ở đây.
Sự kiện ra mắt Model S được tổ chức tại một khu vực tại nhà máy nơi họ hoàn thiện xe. Đó là phần sàn có các đường rãnh và gờ khác nhau để xe chạy qua trong khi kỹ thuật viên lắng nghe xem có tiếng rung lắc nào không. Cũng có một phòng ngập tràn đèn LED và một bục nổi làm bằng tre để đỗ xe trên đó, các kỹ thuật viên sẽ tìm ra những lỗi trên sơn xe ở khu vực này. Trong vài tháng đầu tiên sau khi chiếc Model S chính thức sản xuất hàng loạt, Elon Musk đã đích thân tới bục tre này để xem xét từng chiếc xe.
Hàng trăm người đã tề tựu quanh sân khấu này để chứng kiến khoảng 10 chiếc xe đầu tiên trình diện trước chủ nhân của chúng. Nhiều nhân viên đã từng là công nhân nhà máy NUMMI đã quay trở lại làm việc cho Tesla, góp phần tạo nên những chiếc xe của tương lai. Họ vẫy cờ Mỹ và đội mũ lưỡi trai màu quốc kỳ Mỹ. Một số công nhân đã khóc khi những chiếc Tesla Model X xếp hàng trên sân khấu. Ngay cả những kẻ chỉ trích Tesla cay độc nhất cũng phải mềm lòng trước cảnh tượng này.
Dù cho bạn cho rằng Tesla được chính phủ trợ vốn không công bằng hay họ luôn phóng đại về viễn tương xe hơi tương lai, hãng xe này vẫn cố gắng tạo ra một thành quả lớn lao và khác biệt, từ đó tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn người. Đứng trước những chiếc Model S bóng bẩy, Elon Musk đã có một bài phát biểu ngắn gọn và trao chìa khóa cho các chủ xe. Họ lái chiếc Model S của mình xuống bục tre và tiến ra cửa nhà máy giữa những tràng pháo tay không ngớt của nhân viên Tesla.
(còn tiếp)
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)