Trong khi Google lưỡng lự về các điều khoản mua lại Tesla thì đội quân 500 nhân viên bán hàng nghiệp dư của công ty này đã tạo nên một điều kỳ diệu.
Tổng hợp các phần trước trong loạt bài về lịch sử Tesla
Phần 9 – Suýt bán mình cho Google, và hồi sinh
Đầu tháng Tư năm 2013, Musk đã đến gặp Lary Page, bạn của anh, nhà đồng sáng lập Google. Theo lời những người biết rõ cuộc thảo luận giữa họ, Musk đã lên tiếng vì lo lắng Tesla không đủ khả năng tồn tại trong vài tuần kế tiếp. Khách hàng không chỉ chuyển đơn giữ chỗ thành đơn mua hàng theo tỷ lệ mà Musk kỳ vọng mà những khách hàng hiện tại còn hoãn mua khi biết về các lựa chọn màu sắc mới và tính năng sắp cập nhật. Tình hình tồi tệ đến mức Tesla buộc phải đóng cửa nhà máy của họ. Trước công chúng, Tesla thông báo rằng họ cần bảo trì nhà máy – một lý do chính đáng dù họ vẫn tiếp tục nhận đơn đặt hàng mới. Musk giải thích tất cả điều trên và quyết định bắt tay thỏa thuận để Google mua Tesla.
Tuy Musk không nỡ bán Tesla nhưng thỏa thuận này dường như là con đường sống sót duy nhất dành cho hãng xe điện này. Điều Musk lo lắng nhất là chủ sở hữu mới sẽ không nhìn nhận được mục tiêu lâu dài của Tesla. Anh muốn sự đảm bảo rằng công ty sẽ sản xuất được xe điện đại chúng chứ không chỉ là những mẫu xe hào nhoáng, đắt tiền. Musk đã đề xuất điều khoản cho phép anh vẫn nắm quyền kiểm soát Tesla trong 8 năm hoặc cho đến khi nào mẫu xe điện “bình dân” được bán ra. Musk cũng yêu cầu được cấp 5 tỷ USD để nâng cấp nhà máy. Các luật sư của Google không thích những đòi hỏi này nhưng Musk và Page vẫn tiếp tục đàm phán về thỏa thuận. Xét theo giá trị của Tesla tại thời điểm đó, nhiều người cho rằng Google phải bỏ ra 6 tỷ đô la cho thương vụ mua lại này.
Trong khu Musk và Page cùng các luật sư tranh luận về thương vụ mua bán, một phép màu đã xảy ra. 500 nhân viên mà Musk vừa biến thành nhân viên kinh doanh đã nhanh chóng chốt được số lượng xe khổng lồ. Từ chỗ chỉ còn tiền trong ngân hàng để sống sót trong 2 tuần, Tesla đã giao đủ số lượng đơn hàng tồn trong vòng 14 ngày, lần đầu tiên kết thúc một quý tài chính với lợi nhuận dương. Ngày 8/5/2013, Tesla đã gây chấn động phố Wall khi lần đầu tiên báo lãi với tư cách một công ty cổ phần – 11 triệu đô la tiền lãi trên 562 triệu doanh thu. Tesla đã bàn giao 4.900 chiếc Model S đến tay khách hàng trong quý đó.
Thông cáo này đã kéo giá cổ phiếu Tesla tăng vọt từ 30 lên 130 USD vào tháng 7. Chỉ 2 tuần sau khi công bố kết quả kinh doanh quý đầu năm, Tesla đã trả đủ 465 triệu USD kèm lãi – khoản vay từ chính phủ trước đây. Bỗng dưng, Tesla sở hữu lượng tiền mặt khổng lồ và tùy nghi sử dụng. Thành quả vững chắc này cũng tăng lòng tin của khách hàng, tạo ra một cộng đồng đầy hãnh diện với chiếc Tesla của họ. Do doanh số bán xe và giá trị của Tesla đều tăng mạnh nên thỏa thuận với Google không còn cần thiết nữa, và Tesla cũng trở nên quá đắt để Google mua lại. Những cuộc đàm bán với Google chính thức chấm dứt.
Trên đà thắng thế, Musk muốn tung ra một cơn bão PR tiếp nối. Anh yêu cầu bộ phận marketing phải gửi thông cáo báo chí mỗi tuần. Musk cũng tổ chức một loạt các buổi họp báo giới thiệu các tính năng mới của Model S cũng như xây dựng thêm các trạm Supercharger và điểm dịch vụ mới. Các trạm sạc này được thiết kế để chỉ sử dụng năng lượng mặt trời. “Tôi đã đùa rằng thậm chí nếu có ngày tận thế ngay bây giờ với 1 lũ zombie háu đói, bạn vẫn có thể chu du khắp đất nước với hệ thống trạm Supercharger của Tesla”, Musk nói tại một buổi họp báo. Anh chưa dừng lại ở đây.
Tháng 6/2013, Tesla tiếp tục tổ chức một bữa tiệc linh đình tại nhà máy với hàng tá cơ quan báo chí. Trong nền bài hát Get Lucky của Daft Punk, Musk chen qua đám đông và bước lên bục sân khấu. Trong mắt chủ xe Tesla, anh chẳng khác nào một ngôi sao nhạc rock, không hề thua kém Steve Jobs trong mắt fan Apple. Mọi người vây quanh anh và xin chụp ảnh cùng, trong khi Straubel, công thần số một tại Tesla, lại đơn độc 1 góc.
Sau khi đã nhấm nháp vài ly, Musk lên tiếng bắt đầu nội dung họp báo. Anh cho chiếu những mẩu quảng cáo quyền hình cũ, với cảnh nhiều gia đình dừng chân tại các trạm xăng của Esso và Chevron. “Thực sự mà nói, nghiện xăng là một điều kỳ lạ”, anh nói, trong lúc một chiếc Model S lên sân khấu. Một chiếc hố mở ra trên mặt sàn bên dưới chiếc xe. Musk tuyên bố chiếc Model S có thể được thay pin tại các trạm sạc với thời gian thậm chí còn ít hơn thời gian đổ xăng. “Quyết định duy nhất bạn phải đưa ra khi đến các trạm Supercharger là lựa chọn giữa ‘miễn phí’ và ‘nhanh hơn’”. Cho đến thời điểm hiện tại, Tesla vẫn chưa triển khai được hệ thống thay pin cho các mẫu xe của mình. Tuy vậy, ta không thể phủ nhận rằng Tesla luôn có những ý tưởng đột phá, thậm chí là quái dị khi so với các hãng xe truyền thống.
Tháng 10/2014, Tesla tiếp tục tổ chức một sự kiện họp báo nữa nhằm củng cố vị thế “người khổng lồ mới” trong ngành xe. Musk đã tiết lộ một phiên bản hiệu suất cao của Model S với 2 mô tơ điện gắn ở 2 trục xe. Phiên bản đắt tiền nhất này có thể tăng tốc lên 100 km/h chỉ trong 3,2 giây, tốt hơn mọi siêu xe chạy xăng có giá gấp 2, 3 lần. Musk đã biến 1 chiếc xe gia đình 5+2 thành một cỗ máy có hiệu năng hơn cả siêu xe 2 cửa. Các phiên bản Tesla Model S hiệu suất cao nhất hiện nay còn tăng tốc khủng khiếp hơn, với thời gian vọt lên 100 km/h chỉ hơn 2 giây 1 chút. Từ khi phiên bản hiệu suất cao này ra đời, cư dân mạng có thêm 1 trò tiêu khiển mới: vào Youtube và xem Model S hủy diệt những siêu xe danh tiếng trên đường đua drag như thế nào.
Tuy có một vài sự kiện ảnh hưởng đến hình ảnh của Tesla và Model S nhưng nhìn chung, không gì có thể ngắn được mẫu xe này gặm nhấm dần miếng bánh thị phần sedan hạng sang của nhiều hãng xe tại Mỹ. Tờ New York Times đã đăng một bài viết đầy khinh miệt về Model S và các trạm sạc, cũng như rất hăng hái đưa tin khi 2 chiếc Model S bốc cháy sau tai nạn. Không màng đến sự khéo léo khi làm PR thông thường, Elon Musk đã tấn công trực diện phóng viên đó, thu thập các dữ liệu từ những xe Model S bị tai nạn và viết 1 bài phản bác ngay sau khi có đủ bằng chứng.
Nếu ở một công ty khác, phòng PR sẽ xử lý điều này nhưng Elon Musk lại cảm thấy đó là vấn đề quan trọng nhất đối với Tesla phải đối mặt lúc đó. Nó có thể là dấu chấm hết cho chiếc xe và là mối đe dọa hiện hữu cho cả công ty. Musk cũng áp dụng phương pháp tương tự để đối phó với tin tức về các vụ cháy. Anh tuyên bố Model S là chiếc xe an toàn nhất nước Mỹ, và thông báo rằng những chiếc Model S sau đó sẽ được gắn thêm một tấm chắn titan dưới thân xe cùng nhiều tấm nhôm để ngăn đá sỏi bắn vào khối pin dưới gầm xe.
Musk cũng tiết lộ một bộ phần mềm mới dành cho Model S. Đó là chức năng hỗ trợ lái bán tự động Autopilot. Rađa quanh xe có thể phát hiện vật thể, cảnh báo nguy cơ va chạm và có thể tự tìm được qua GPS. Những phiên bản sau này của Auto Pilot thậm chí có thể tự lái trên cao tốc, tự vào cua khi đến khúc cua, tất nhiên là chỉ khi xe chạy trên những tuyến đường đẹp, vạch kẻ rõ ràng. Thậm chí, đã có một người đàn ông bị phạt vì cài chế độ Autopilot và … nhày sang ghế phụ ngồi chợp mắt một lúc! Musk còn đòi hỏi nhiều tính năng kỳ quái hơn nữa đối với đội ngũ nhân viên của mình. Anh muốn chiếc xe có tính năng “triệu hồi”, tức là bất kỳ bạn ở đâu, chỉ cần ấn nút trên phần mềm điện thoại, chiếc xe sẽ tự đến đón bạn. Anh cũng muốn đầu sạc cắm điện phải tự động cắm vào xe, giống như một con rắn bằng kim loại săn mồi vậy.
Hàng nghìn người đã xếp hàng chờ suốt nhiều giờ để xem Musk chứng thực công nghệ dây sạc tự động này. Musk thi thoảng chen vào những câu bông đùa trong bài diễn thuyết của mình một cách rất có duyên và kích thích sự nhiệt tình của đám đông. Người đàn ông từng lúng túng trước đám đông thời PayPal nay đã trở thành một nghệ sĩ độc đáo và tài tình. Sự nhiệt tình và khả năng gây chú ý của Elon Musk chính là biểu tượng cho hành trình dài mà một hãng xe nhỏ cùng một CEO lập dị đã trải qua. Chiếc Roadster là mẫu xe thương mại đầu tiên của Tesla nhưng Model S mới là mẫu xe đầu tiên cho thấy Tesla thực sự có thể làm được gì. Nó là cột mốc lịch sử không chỉ của riêng Tesla mà còn cả ngành xe hơi nói chung khi giờ đây, một chiếc xe điện đẹp đẽ, rộng rãi, nhanh khủng khiếp nhưng rất thực dụng lại ở gần tầm với của đại chúng đến vậy. Model S là tiền đề để Tesla tiếp tục làm chủ thị trường xe điện với các mẫu xe ra đời sau như Model X, Model 3 và Model Y.
(còn tiếp)
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)