Sáng nay, 1/8, tất cả các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư gồm Nội Bài- Lào Cai, Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Cầu Giẽ- Ninh Bình và TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây chính thức áp dụng chỉ thu phí tự động ETC.
10 tuyến cao tốc chỉ áp dụng thu phí không dừng
Cuối ngày 31/7, ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty Thu phí tự động VETC, cho biết bắt đầu từ 9h sáng nay, 1/8, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ vận hành 100% thu phí tự động không dừng (ETC).
Hệ thống ETC đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được Công ty cổ phần Tasco lắp đặt có quy mô 25 làn ở ba trạm thu phí Long Phước, quốc lộ 51, Dầu Giây. Đây cũng là đường cao tốc khu vực phía Nam đầu tiên đưa ETC vào sử dụng.
Theo Công ty CP Tasco, việc sử dụng thu phí ETC sẽ rút ngắn thời gian qua trạm từ 36 - 72 giây (hình thức thu phí một dừng trước đây) xuống 6 - 12 giây, tốc độ xe qua trạm theo đó sẽ nhanh gấp 6 - 7 lần.
Cao tốc Pháp Vân- Ninh Bình áp dụng chỉ thu phí không dừng từ hôm nay, 1/8
Cũng trong sáng nay, 1/8, bốn tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư gồm Nội Bài- Lào Cai, Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Cầu Giẽ- Ninh Bình, TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây cùng với 6 tuyến cao tốc khác chính thức áp dụng chỉ thu phí tự động ETC.
Dù vậy, nhiều lái xe bày tỏ lo ngại về khả năng có thể xảy ra ùn tắc trên các tuyến cao tốc trong những ngày đầu triển khai chỉ thu phí ETC do nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân như tỷ lệ lái xe dán thẻ thu phí ETC chưa cao, nhất là ở phía Nam; một số tài khoản thu phí ETC còn gặp trục trặc do bộ nhận diện thu phí không dừng tại các trạm BOT chưa ổn định…
Ùn tắc trên cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây trong ngày 31/7
Lo ngại này không phải là không có cơ sở khi mà sau 5 ngày vận hành hệ thống thu phí không dừng, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, trục huyết mạch nối thành phố với Đông Nam bộ liên tục ùn tắc. Nhiều thời điểm, ùn tắc kéo dài cả chục cây số gây căng thẳng và bức xúc cho nhiều lái xe.
Vào ngày 31/7, tình hình càng thêm căng thẳng khi đây là ngày cuối tuần, xe tăng cao hướng TP.HCM qua Đồng Nai, gây ùn tắc kéo dài khu vực nút giao An Phú và trạm thu phí Long Phước ở cao tốc. Cung đường dài 55 km, cho xe chạy tối đa 120 km/h, song nhiều tài xế mất hơn ba tiếng mới có thể đi qua.
Một trong những nguyên nhân gây ùn tắc hàng đầu trên tuyến cao tốc này là do tỷ lệ xe dán thẻ thu phí ETC còn thấp, bởi vậy không ít lái xe chưa dán thẻ nhưng vẫn đi vào làn thu phí không dừng, nhân viên phải bán vé giấy và hướng dẫn ra địa điểm dán thẻ; rồi nhiều tài khoản thu phí ETC khi qua trạm không được nhận diện, lái xe phải thực hiện thao tác mua vé giấy trả tiền mặt…
Cao tốc lên phương án chống ùn tắc
Ông Hồ Trọng Vinh cho hay, nguyên nhân chính dẫn đến ùn ứ trên tuyến do lượng xe sử dụng ETC chưa cao. Vài ngày gần đây, số xe dùng ETC tăng lên, song vẫn chưa như kỳ vọng, trong khi bình quân xe qua tuyến này đạt 45.000-50.000 ôtô mỗi ngày. Cũng theo ông Vinh, cần khoảng 60 ngày nữa thì tỷ lệ dán thẻ thu phí ETC mới đạt bình quân 80-90% như chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT.
Không chỉ tuyến cao tốc này, mà tuyến cao tốc Nội Bài- Lào Cai, Cầu Giẽ- Ninh Bình….nhiều lái xe, cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp cũng chung nỗi lo ùn tắc.
Tỷ lệ xe sử dụng dịch vụ ETC đã đạt khá cao, khoảng 80%, song đơn vị vận hành cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tuyến huyết mạch Thủ đô, vẫn lo ngại ùn tắc khi thu phí không dừng tại một số thời điểm, do tuyến này có lưu lượng 60.000 - 65.000 xe mỗi ngày.
Ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, cho biết, xe chưa dán thẻ ETC khi đến trạm thu phí mới phát hiện được, và khó thoát ra tại một số thời điểm đông ôtô. Do vậy, đơn vị có phương án chủ xe không muốn dán thẻ sẽ được hướng dẫn tới đường gom để ra khỏi cao tốc, lái xe đồng ý dán thẻ sẽ được phục vụ ở trạm.
Trường hợp ùn tắc, nhân viên thu phí phát thẻ giấy cho tài xế và yêu cầu trả tiền mặt tại đầu ra, song chủ xe phải cam kết không vi phạm.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam cho biết, cơ quan quản lý Nhà nước cũng lo ngại về tình hình ùn tắc trên các tuyến cao tốc có lưu lượng lớn như Pháp Vân - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khi đồng loạt triển khai chỉ thu phí ETC. Tổng cục đã họp bàn với Cục Cảnh sát giao thông và các đơn vị liên quan để phối hợp xử lý.
Dù vậy, ông Thắng lạc quan cho rằng, cao tốc Hà Nội- Hải Phòng trước khi triển khai thu phí không dừng toàn tuyến (ngày 1/6), tỷ lệ xe dán thẻ dịch vụ ETC đạt 65%. Song, công tác điều hành tốt, cộng với sự chấp hành của chủ xe nên tuyến này không bị ùn tắc vào các ngày đầu thu phí.
"Người dân cần chấp hành nghiêm quy định khi chạy xe trên cao tốc và các đơn vị thu phí đẩy nhanh tốc độ, tạo điều kiện cho các chủ xe dùng dịch vụ", ông Thắng nói.
Ngân Tuyền (ANTĐ)