Độ bền và độ tin cậy của xe Hàn luôn là điều rất nhiều khách hàng Việt Nam quan tâm. Đó là lý do vì sao hôm nay, chúng ta sẽ cùng đánh giá lại Hyundai Kona 1.6T sau 2 năm sử dụng và 50.000 km lăn bánh.
Giờ đây tại thị trường Việt Nam, Hyundai Kona không còn là “người mới” nữa. Mẫu xe có thiết kế trẻ trung và phá cách này đã chinh phục khách hàng Việt bằng thiết kế, trải nghiệm lái và sự độc đáo – thứ mà không phải chiếc CUV hạng B nào cũng có.
Đã có rất nhiều khách hàng Việt lựa chọn và hài lòng với Hyundai Kona, nhưng không ít người vẫn còn định kiến với xe Hàn Quốc. Quả thật, đã có thời kỳ xe Hàn Quốc thậm chí còn không có được cái nhìn thiện cảm từ người tiêu dùng toàn cầu. Khoảng 2 thập kỷ trước đây, nói đến xe Hàn, người ta nghĩ ngay đến những mẫu xe copy không bản sắc, “Ba không”: Không bản sắc. Không thiết kế chủ đạo. Không sự gắn kết về mặt thiết kế giữa các dòng xe.
Nhưng thời thế thay đổi nhanh chóng và sự kiên trì của cặp đôi Hyundai – KIA đã được đền đáp xứng đáng. Tính đến hết năm 2017, tập đoàn Huyndai Motors (bao gồm cả Kia) là tập đoàn xe hơi lớn thứ 4 thế giới xét theo sản lượng xe, những mẫu xe của 2 thương hiệu này liên tục lọt vào top 10 xe đáng tin cậy nhất của Consumers Report, xóa tan định kiến về chất lượng xe Hàn. Còn về thiết kế ư? Kia có mặt ca lăng “mũi hổ” Tiger Nose, Hyundai có mặt ca lăng “thác nước” Cascading Grille, hai trong số những thành tựu của Peter Schreyer và Luc Donckerwolke. Những chiếc Hyundai – KIA thời hiện đại giờ đây có những gương mặt mới đầy hứng khởi và quan trọng hơn, đó là những gương mặt đậm chất Hyundai và KIA – không sao chép, không lai tạp.
Còn về độ bền, độ tin cậy của xe Hàn thì sao? Chúng tôi đã mượn một chiếc Hyundai Kona bản cao cấp của một trong những người mua Kona đầu tiên tại Việt Nam. Trong vòng 2 năm qua, anh đã đi được 5 vạn km với chiếc CUV của mình. Dù 5 vạn vẫn là một con số khá khiêm tốn nhưng quãng đường này cũng là đủ để đánh giá sơ bộ về độ bền của một chiếc xe. Chúng ta hãy cùng điểm lại những ưu điểm và nhược điểm của dòng xe thú vị này.
Ngoại thất – độc đáo nhưng chưa hoàn hảo
Hyundai Kona đã tạo ra xu thế với thiết kế đẩy đèn LED định vị ban ngày lên phía trên và bố trí đèn pha LED ở thấp hơn, đặt trong 1 vùng ốp riêng trên cản trước. Thiết kế này tạo ấn tượng Kona có đôi “mắt hí” – chi tiết này mới Hàn Quốc làm sao! Nhiều chủ xe phản ánh rằng sẽ tốt hơn nếu đèn gầm cũng là dạng LED thì sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy đèn gầm dạng Halogen – dù không quá thẩm mỹ - nhưng lại có công năng tốt hơn đèn LED, nhất là đối với những ai thường xuyên đi đường đèo núi. Vấn đề duy nhất mà tôi thấy trên dàn đèn của Kona là nó không có hệ thống rửa đèn. Với vị trí đèn đặt thấp, tầm chiếu sáng của Kona có thể bị ảnh hưởng bởi bụi đất hay mưa phùn.
Nhìn sang phần thân xe, từ nóc xe thuôn thoải về đuôi cho đến đường gân đậm nét ở thành cửa, 2 phần nhựa đen ốp vòm bánh xe và 1 dải crôm nho nhỏ ở bên dưới, tất cả đều rất tự nhiên, không gượng ép. Đúng vậy, Hyundai Kona không cần những mảng crôm ngoại cỡ để thu hút sự chú ý – những đường nét mượt mà và khác biệt kể trên là quá đủ để tạo ra ngoại hình đầy hấp dẫn với giới trẻ. Tuy nhiên, 1 chi tiết trông không “trẻ” 1 chút nào là ăng-ten hình thanh xoắn gắn trên nóc xe. Nếu như Kona có ăng-ten vây cá thì sẽ phù hợp hơn. Với chiếc Kona này, phần mạ ở tấm cản sau đã bị tróc sơn. Hiện không rõ đây là tác động của hóa chất hay do lỗi sản xuất. Bên cạnh đó, bộ lốp Kumho dường như cũng không quá bền bỉ khi đã xuất hiện một số vết nứt li ti ở mặt lốp sau 5 vạn km. Nếu đây là xe của mình, tôi sẽ thay bộ lốp cao cấp hơn.
Hyundai Kona có kích thước tổng thể dài x rộng x cao lần lượt là 4165 x 1800 x 1565 mm, chiều dài cơ sở đạt 2.600 mm. Đây là những thông số đều nhỉnh hơn Ford EcoSport (nếu không tính lốp dự phòng, Ford EcoSport ngắn hơn Kona 69 mm, chiều dài cơ sở ngắn hơn 81 mm). Tất nhiên, Hyundai Kona không to lớn như HR-V, nhưng nếu sự rộng rãi là yếu tố quan trọng nhất thì “fan Hyundai” hoàn toàn có thể lựa chọn Tucson, mẫu xe lớn hơn HR-V.
Nhìn chung thì tôi khá hài lòng với ngoại hình của Hyundai Kona, xe có thiết kế thực sự độc đáo và trẻ trung. Sau 2 năm trình làng, mẫu xe này gần như không lỗi thời ngay cả khi đã có một vài đối thủ mới xuất hiện.
Nội thất – Phù hợp với gia đình trẻ
Khoang nội thất của Hyundai Kona không gây được ấn tượng mạnh như ngoại thất nhưng sau 2 năm, có thể nói rằng không gian bên trong Kona vẫn không hề lỗi thời. Nhìn quanh một vòng, ta có thể thấy một số dấu hiệu của thời gian. Ví dụ như viền vô lăng đã mòn bóng ở vị trí 3 giờ và 9 giờ. Mép ghế lái cũng tương đối nhăn vì liên tục chịu tác động vì động tác bước ra – bước vào xe của tài xế. Dù vậy, những dấu hiệu hao mòn này là hoàn toàn bình thường đối với một chiếc xe đã lăn bánh gần 50.000 km.
Xe có màn hình trung tâm cảm ứng kích thước 8 inch, có hỗ trợ Apple Carplay và Android Auto. Màn hình này có độ sáng tốt và đi kèm những nút cứng hai bên và 2 núm vặn rất tiện dụng. Giao diện màn hình được việt hóa hoàn toàn và bản đồ Navitel được cập nhật liên tục, rất hữu dụng nhất là khi bạn thường xuyên đi công tác ngoại tỉnh.
Bên dưới màn hình là cụm điều khiển điều hòa và bên dưới nữa là khu vực tôi rất thích. Đó là hàng loạt cổng kết nối: 2 cổng USB, 1 AUX, 1 cổng 12V và đặc biệt là dock sạc không dây chuẩn Qi, thứ đồ chơi sành điệu chỉ Kona có trong phân khúc CUV đô thị. Hai cổng USB của Kona cũng có tốc độ sạc khá nhanh với cường độ dòng điện khoảng 1.5 đến 2a.
Nếu kỹ tính một chút thì bạn sẽ thấy thao tác kéo phanh tay là tương đối bất tiện. Dù sao thì tôi cũng không thấy đó là vấn đề quá lớn, cần phanh tay cũng được bố trí rất gọn gàng và thuận tay, không choán nhiều không gian ví dụ như cần phanh Xpander. Thêm một nhược điểm nho nhỏ nữa là hộc để cốc trung tâm có kích cỡ khá nhỏ, không để vừa chai nước 1 lít.
Về trang bị an toàn, Hyundai Kona cũng không hề “ngán” bất cứ đối thủ nào. Cụ thể xe có: camera lùi, cảm biến lùi, cảm biến trước sau (bản 1.6T cao cấp nhất), cân bằng điện tử, chống bó cứng phanh ABS, phân bổ lực phanh điện tử EBD, hỗ trợ khởi hành ngang dốc HAC và 6 túi khí,hỗ trợ phanh khẩn cấp BA, hỗ trợ khởi hành xuống dốc DBC, cảnh báo điểm mù BSD, cảm biến áp suất lốp. Điều tạo ra sự khác biệt rõ ràng đối với Honda HR-V và Ford EcoSport là cả 3 phiên bản của Kona đều có đầy đủ cảm biến lùi, camera lùi, cảm biến áp suất lốp, khởi động nút bấm, ABS, EBD, BA, Kiểm soát lực kéo TCS, Khởi hành ngang dốc, Hỗ trợ đổ đèo và đầy đủ 6 túi khí.
Trải nghiệm – Vẫn là số một phân khúc!
Cho đến giờ phút này, vẫn có một số người nghĩ rằng xe Hàn Quốc lái “không hay”. Tuy nhiên, tôi đã mời một số bạn bè trải nghiệm Hyundai Kona và họ đã thay đổi quan điểm. Dù vậy, không mấy ai có thể giải nghĩa vì sao Kona cho cảm giác cầm lái khác hẳn so với phần còn lại. Sự khác biệt đầu tiên đến từ hệ thống khung gầm của chiếc xe.
Khung gầm là thứ ít người quan tâm đến khi chọn xe nhưng lại vô cùng quan trọng. Bạn có thể xây 1 ngôi nhà vững chãi với nền móng bị “rút ruột” không? Kể từ khi chiếc xe có khung gầm hoàn toàn bằng kim loại đầu tiên được sản xuất tại Mỹ năm 1916, các nhà khoa học đã liên tục cải tiến thành phần cấu tạo của thép để đạt được những hợp kim cứng hơn, bền hơn nhằm xây dựng những chiếc xe an toàn hơn. Thời nay, dù thứ được quảng cáo nhiều nhất là các hệ thống an toàn điện tử tinh vi nhưng một trong những trang bị an toàn quan trọng nhất trên chiếc xe của bạn chính là phần khung được chế tạo hầu hết bằng thép.
Bước sang thế kỷ 21, thép dùng trong công nghiệp xe hơi càng ngày càng được cải thiện. Hồi đầu những năm 2000, độ bền kéo (tensile strength) của thép dùng trong sản xuất xe chỉ đạt khoảng 500 Megapascal (MPa). Ngày nay, những loại thép có độ bền kéo lên tới 1.500 MPa đang dần xuất hiện trong xe bình dân. Đó là độ bền kéo khủng tới nỗi bạn có thể đặt 4 chiếc xe bus 2 tầng lên 1 thanh thép có tiết diện 2,54 cm mà không uốn rách thanh thép đó!
Sự kết hợp nhiều loại thép với độ bền kéo khác nhau giúp các nhà thiết kế tạo ra những chiếc xe nhẹ hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn nhưng lại an toàn hơn nhờ khả năng điều hướng lực va chạm khi có tai nạn. Ngày nay, những mẫu xe hiện đại có khoang cabin chế tạo từ loại thép cứng nhất mà chi phí sản xuất cho phép và phần đầu và đuôi xe được chú ý chế tạo từ thép mềm hơn để tạo nên những vùng co rụm. Nếu có va chạm, những tấm thép ở xa cabin nhất (và mềm nhất) sẽ hấp thụ năng lượng va chạm, những chi tiết gần cabin hơn được thiết kế với độ cứng tăng dần và cứng hơn nữa là vách ngăn khoang động cơ (firewall). Gần như mọi xung động sẽ bị vách ngăn này chặn đứng, bảo vệ khoang cabin với hành khách bên trong.
Hyundai là hãng xe duy nhất trên thế giới tự sản xuất thép dùng trên ô tô của họ. Đây là lợi thế vô cùng lớn và nó cho thấy sức mạnh khổng lồ của tập đoàn Hyundai Group chứ không chỉ riêng Hyundai Motors. Nhờ “tự cung tự cấp”, họ có thể chủ động tạo ra những loại thép phù hợp nhất với nhu cầu của mình mà không bị phụ thuộc vào những bên thứ ba. Trên chiếc Kona, 51,8% khung xe được chế tạo từ thép siêu cứng AHSS (Advanced High-Strength Steel) với độ bền kéo dao động từ 550 MPa đến 1.500 MPa và nhiều chi tiết được dập nóng để tăng cường khả năng chịu lực. Tất nhiên, đồ càng “hi-tech” thì chi phí sửa chữa càng đắt đỏ, tôi đã từng chứng kiến 1 chủ nhân siêu xe tại Việt Nam đã phải bỏ ra 50% giá trị xe để sửa xế cưng sau khi bị tai nạn, dù động cơ, hộp số không hỏng. Đắt như vậy phần lớn là vì bộ khung hybrid nhôm – các-bon là vô cùng đắt.
Phiên bản đắt nhất của Kona ở Việt Nam có giá niêm yết 725 triệu đồng, rẻ hơn bản cao nhất của HR-V 146 triệu và đắt hơn Ford EcoSport 77 triệu đồng. Cá nhân tôi thấy 1 mức giá bán được coi là đắt hay rẻ thì còn tùy quan điểm mỗi người và tùy xem nếu bỏ ra chừng ấy tiền, khách hàng nhận được 1 chiếc xe có giá trị như thế nào.
Hyundai Kona có khung gầm rất giá trị và đi kèm là động cơ, hộp số cũng giá trị không kém. Phiên bản cao cấp nhất sở hữu động cơ 4 xy lanh 1.6 lít tăng áp cho công suất tối đa 177 mã lực tại 5.500 vòng/phút và lực mô-men xoắn cực đại 265 Nm trong khoảng tua vòng rất rộng, từ 1.500 đến 4.500 vòng/phút. Đây là những thông số đơn giản là vượt trội so với 2 đối thủ trực tiếp EcoSport và HR-V. Ngay cả 2 phiên bản thấp hơn cũng được trang bị động cơ xăng 2.0L chi kỳ Atkinson với 149 mã lực và 180 Nm. Tương tự, 2 bản thấp cũng được trang bị hộp số tự động 6 cấp, không có phiên bản nào sử dụng số sàn, trong khi bản cao cấp nhất có hộp số ly hợp kép 7 cấp.
Hãy bắt đầu trải nghiệm Hyundai Kona bằng những phép đo tăng tốc. Đạp thốc chân ga, chiếc xe hơi chồm lên và tăng tốc mãnh liệt đến nỗi khiến đèn báo hệ thống cân bằng điện tử nháy liên hồi. Thực sự tôi không nhớ nổi chiếc xe dưới 1 tỷ đồng nào có thể kích hoạt ESP khi tăng tốc thẳng! Tôi đã rất bất ngờ khi lần đầu tiên đạp thốc ga chiếc Kona, và máy đo GPS đã chứng minh hiệu năng “khủng khiếp” của nó. Cụ thể, Hyundai Kona chỉ cần 7,89 giây để chạm mốc 100 km/h, gia tốc khi tăng tốc thẳng lên tới 0.65G. Đây là những con số vô cùng ấn tượng, vượt xa những mẫu CUV cỡ B khác, vốn chỉ đạt thành tích xấp xỉ 10 giây. Ngay cả Honda Civic VTEC Turbo cũng phải cần tới 8,3 giây để chạm mốc 100 km/h!
Hyundai Kona cũng chỉ cần 42 mét để giảm tốc từ 100 về 0 km/h, gia tốc đạt 0.52G. Đây cũng là những con số thuộc hàng tốt nhất phân khúc. Hiệu năng ấn tượng trên kết quả của động cơ 1.6 Turbo mạnh mẽ, hộp số ly hợp kép 7 cấp và cả bộ lốp Hankook Ventus Prime 3 kích cỡ 235/45 R18. Đây là những chiếc lốp lớn nhất phân khúc (lốp Honda HR-V cỡ 215/55 R17) và chúng mang lại lực bám đường tốt hơn cho Hyundai Kona. Một thông tin khá thú vị: cỡ lốp 235/45 R18 ở cả 4 bánh Hyunda Kona là giống hệt với cỡ lốp của Mercedes-Benz GLC250 4MATIC, thậm chí lốp trước của McLaren 675 LT cũng chỉ có tiết diện 235 mm! Có thể thấy, về mặt hiệu năng tăng tốc và giảm tốc, rõ ràng Hyundai Kona không có đối thủ tại Việt Nam.
Lái xe trên cao tốc, mọi ưu điểm của Hyundai Kona được thể hiện rõ: máy mạnh, hộp số êm ái, cách âm tốt, hệ thống treo êm ái. Điều khiến tôi rất tự tin khi cầm lái Kona trên cao tốc là khả năng tăng tốc ở dải tốc độ cao. Tiến hành đo đạc, chiếc Kona chỉ cần đúng 3 giây để tăng tốc từ 80 lên 100 km/h, 3 giây! Đó là ưu điểm của một cỗ máy tăng áp khi so với những động cơ nạp khí tự nhiên. Cài Cruise Control, mở bài hát ưa thích, hệ thống 6 loa của Hyunda Kona với bộ chuyển đổi tín hiệu DAC của Arkamys cho trải nghiệm khá vừa tai với âm trầm tách bạch, không bị ù và giọng ca sĩ rõ ràng, sống động chứ không “phều phào” như qua bộ loa EcoSport.
Khi đi trong phố, chiếc Kona cũng rất linh hoạt với hộp số mượt mà và động cơ cho lực mô-men xoắn tối đa 265 Nm ở ngay tua máy 1.500 vòng/phút. Tuy nhiên, cảm giác vô lăng của Kona không thực sự thật tay như vô lăng Honda HR-V. Ở chế độ Comfort, nó quá nhẹ, nhẹ đến vô cảm và ở chế độ Sport, nó lại quá nặng đến mức giả tạo. Vô lăng của HR-V không thay đổi độ đầm ở các số D và S nhưng nó được căn chỉnh tốt, cho cảm giác vần vô lăng chân thật hơn Kona. Tuy vậy, nhìn chung thì trải nghiệm của Hyundai Kona “đã” hơn nhiều so với Honda HR-V.
Cuối cùng, điều đặc biệt nhất là những trải nghiệm ấn tượng trên vẫn còn nguyên dù xe đã lăn bánh được 5 vạn km. Sau 50.000 km, chiếc Hyundai Kona vẫn cho cảm giác phấn khích như xe mới! Có thể những lo ngại về độ bền xe Hàn là đúng đối với những mẫu xe sản xuất đầu những năm 2000 nhưng giờ đây, nó không còn đúng nữa.
Kết luận
50.000 km là một cột mốc đủ lớn để đánh giá độ bền bỉ của một chiếc xe hoạt động ở môi trường khắc nghiệt như Việt Nam. Tất nhiên, ta vẫn cần những cột mốc như 10 vạn hay 10 năm sử dụng để có thể khẳng định rằng một chiếc xe có thực sự bền bỉ hay không. Dù vậy, chiếc Hyundai Kona này thực sự khiến tôi hài lòng với hiệu năng, trải nghiệm và độ tin cậy của nó.
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)