Đóng
 

Thứ sáu, 22/11/2024 | 18:53
17:17  |  03/02/2021

Lái xe ô tô lấn làn xe máy sẽ bị phạt tới 5 triệu đồng

Gọi điện thoại đến 'Đường dây nóng' Báo ANTĐ, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Càng sát Tết, mật độ người và phương tiện giao thông trên các tuyến đường tăng cao nên tình trạng vi phạm quy định về ATGT diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là hiện tượng ô tô lấn làn xe máy. Trong trường hợp này, lái xe ô tô sẽ bị xử phạt ra sao?

Lỗi lấn làn hay còn gọi là lỗi đi sai làn đường là trường hợp người điều khiển phương tiện đi không đúng làn đường dành cho phương tiên đó, trên đoạn đường được chia thành nhiều làn và phân biệt bằng vạch kẻ đường.

Về việc sử dụng làn đường, Điều 13 Luật Giao thông đường bộ - 2008 quy định, trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.

Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.

Như vậy, mỗi phương tiện tham gia giao thông phải đi đúng làn đường quy định, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt. Điều 5 - Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, lái xe ô tô chuyển làn đường không đúng nơi cho phép bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng. Xe đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng, đồng thời người điều khiển phương tiện sẽ bị tước quyền sử dụng GPLX từ 1-3 tháng.

Trường hợp lái xe lấn làn gây ra tai nạn, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người điều khiển xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Theo BLHS - 2015, mức phạt nhẹ nhất đối với hành vi này là phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm nếu làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên...

Ngoài ra, người gây tai nạn phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của BLDS - 2015, bao gồm: Thiệt hại về tài sản; Thiệt hại về sức khỏe; Thiệt hại về tính mạng nếu làm chết người (chi phí mai táng, tiền cấp dưỡng cho người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; mức bồi thường bù đắp tinh thần).

H.L (ANTĐ)

Tư vấn

Lựa chọn SUV phân khúc 1,5 tỷ liệu có khó?

Tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe SUV cỡ 1,5 tỷ luôn là phân khúc khác biệt hoàn toàn so với các phân khúc giá rẻ, bởi khách hàng lựa chọn mua xe ở phân khúc này đều có những...