Hiện nay, hầu hết các hãng xe đều có thể thu thập thông tin của người dùng thông qua các tính năng kết nối và chính sách về quyền riêng tư.
Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, ô tô đã dần trở lên “thông minh” hơn nhờ vào các tiến bộ về công nghệ. Những chiếc xe cao cấp hiện nay có thể được tích hợp cả AI để cá nhân hóa việc lái xe dựa theo các thói quen của chủ nhân. Đi kèm với những tiện ích, điều này để lại nguy cơ gây mất an toàn thông qua việc rò rỉ dữ liệu cá nhân.
Nhiều nhà sản xuất ô tô thừa nhận rằng họ thu thập dữ liệu thông qua các chính sách bảo mật công khai. Tuy nhiên, khách hàng sẽ không thể biết những thông tin mang tính cá nhân của họ có được bảo đảm an toàn hay không.
Trang tin Wired của Anh đặt ra nghi ngờ rằng một phần dữ liệu rơi vào tay các công ty môi giới dữ liệu, công ty bảo hiểm, cơ quan quản lý và có thể có nhiều tổ chức khác.
Thông tin cá nhân của khách hàng được chia sẻ cho các nhà sản xuất thông qua chính sách về quyền riêng tư. Báo cáo quyền riêng tư của xe thường có hai danh mục lớn: những gì nhà sản xuất thu thập (bao gồm số nhận dạng, sinh trắc học, vị trí, dữ liệu từ điện thoại được đồng bộ hóa và hồ sơ người dùng) và nhà sản xuất bán hoặc chia sẻ dữ liệu với ai (chi nhánh, nhà cung cấp dịch vụ, công ty bảo hiểm , chính phủ và các nhà môi giới dữ liệu).
Nhìn chung, những điều khoản trong chính sách quyền riêng tư do các hãng xe đặt ra khá khó hiểu đối với đại đa số người dùng. Trong những văn bản này, nhà sản xuất giải thích lý do tại sao dữ liệu được thu thập; một số có thể được thu thập để nghiên cứu hoặc phát triển sản phẩm, trong khi thông tin khác có thể được sử dụng để cá nhân hóa hoạt động tiếp thị. Chẳng hạn, hãng xe yêu cầu khách hàng cần cung cấp dữ liệu vị trí của mình để các dịch vụ điều hướng vệ tinh và bản đồ hoạt động.
Sau khi tiến hành điều tra các thông tin liên quan đến chính sách chia sẻ quyền riêng tư của các hãng xe, tờ Wired nhận định mỗi nhà sản xuất ô tô lại có các chính sách và cách thức thu thập thông tin khác nhau.
Ví dụ, chủ xe Ford F-150 tại Mỹ nên biết rằng nhà sản xuất ô tô có thể thu thập các thông tin như tốc độ lái xe và cách chủ xe nhấn bàn đạp. Ford cũng lưu dữ liệu về chủ sở hữu bao gồm thông tin định vị và giấy phép lái xe của họ.
Toyota cho biết họ có thể thu thập các thông tin như hành vi lái xe, thói quen tăng tốc, tốc độ, phanh và hướng di chuyển. Một số mẫu xe thậm chí có thể nhận diện khuôn mặt khi bạn lên xe. Đáng chú ý, báo cáo đầy đủ từ trang Wired trích lời một người phát ngôn của Toyota cho biết con người không thể đọc được dữ liệu này và mọi đặc điểm khuôn mặt chỉ được lưu trữ trên xe chứ không được truyền đến Toyota. Họ cũng nói rằng khách hàng có thể tắt chức năng truyền dữ liệu.
Từ những phân tích trên, trang Wired cho biết khách hàng nên tìm hiểu để nắm rõ những dữ liệu cá nhân nào của bản thân có thể bị lộ khi sử dụng ô tô.
Thái Sơn (Tuoitrethudo)
Tham khảo: Wired