Theo một số trang tin, gần đây, các cảng biển tại Úc luôn trong tình trạng tắc nghẽn khiến khách hàng phải đợi rất lâu mới có thể nhận xe.
Nguyên nhân là do số lượng xe cần khử khuẩn đã ở mức kỷ lục. Đứng đầu danh sách nhiễm khuẩn là ô tô Trung Quốc.
MG, Great Wall Motors Haval, LDV, BYD, Tesla và Polestar - thương hiệu dưới trướng Volvo thuộc sở hữu của Trung Quốc, là những xe được xuất khẩu sang Úc nhiều nhất.
Theo đó, ô tô nhập khẩu luôn gặp các vấn đề, mối đe dọa sinh học như ốc sên, hạt giống lạ và bọ xít. Cụ thể, vào năm ngoái, có tới 11.000 ô tô đến từ Trung Quốc cần được khử độc do các rủi ro an toàn sinh học trên.
Đối với những xe nhập khẩu từ các quốc gia khác cũng không ngoại lệ như: Thái Lan với 4.200 xe, Tây Ban Nha với 3.900 xe và Nhật Bản là 3.700 xe.
Không chỉ có số lượng ô tô nhiễm khuẩn cao nhất, những xe đến từ Trung Quốc còn có khả năng gây nguy hiểm. Trong khi tỷ lệ xe ô tô Trung Quốc phải khử khuẩn là 7,3%, thì những xe nhập khẩu từ Nhật Bản chỉ là 1% hay Thái Lan 1,7%.
Cũng xuất khẩu một lượng lớn xe vào nước Úc, nhưng những xe đến từ Hàn Quốc lại không gặp các vấn đề về nhiễm khuẩn và đáp ứng đủ yêu cầu an toàn sinh học của Chính phủ nước này.
Mặc dù Chính phủ Úc không nêu đích danh thương hiệu xe của nước nào cần phải được khử khuẩn, nhưng một thương hiệu xe hơi khá nổi tiếng của Trung Quốc là MG đã từng phải đưa xe trở lại Trung Quốc để xử lý sâu bệnh và sau đó mới tiếp tục quay trở lại Úc.
Việc khử khuẩn xe không chỉ mất thời gian mà còn gây tốn kém. Theo đó, chỉ cần mất 24 giờ để dỡ khoảng 3.000 ô tô khỏi container, nhưng để khử khuẩn thì mỗi ngày chỉ có thể xử lý được khoảng 150-220.
Số lượng xe phải khử khuẩn lớn dẫn đến tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng xảy ra tại các cảng biển. Theo khảo sát, năm nay người dân Úc có thể phải đợi 131 ngày mới có thể nhận xe , so với chỉ 30 ngày vào năm 2019.
Trước tình hình này, chính phủ Úc phải thường xuyên thúc giục các hãng xe phải làm sạch, đảm bảo đáp ứng đủ yêu cầu an toàn sinh học trước khi được chất lên tàu sang Úc.
TH (Tuoitrethudo)