Đóng
 

Thứ ba, 17/09/2024 | 06:46
13:54  |  08/09/2024

PV Power lên kế hoạch xây dựng 1.000 trạm sạc

PV Power sẽ thử nghiệm và đánh giá hiệu quả kinh doanh trạm sạc trong vòng hai năm, trước khi tiến hành lắp đặt 1.000 trạm sạc trên toàn quốc.

Thông tin từ Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power cho biết doanh nghiệp đang nghiên cứu và tiến hành xây dựng hệ thống trạm sạc xe điện tại Việt Nam. Đơn vị này cho biết trạm sạc đầu tiên đặt tại số 6 phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2024. Trạm sạc này được trang bị hai cổng sạc có công suất từ 50 đến 60kW mỗi cổng, với tổng kinh phí đầu tư là 1,8 tỷ đồng.

Tiếp theo, PV Power dự kiến triển khai thêm hai trạm sạc thí điểm khác tại 222 đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội (Big C Thăng Long).

Theo kế hoạch, sau 2 năm thí điểm, PV Power sẽ đánh giá hiệu quả của dự án trước khi quyết định mở rộng triển khai trên toàn quốc. Dự kiến đến năm 2035, công ty sẽ sở hữu số lượng khoảng 1.000 trạm sạc, trải dài ở nhiều tỉnh trên toàn quốc.

PV Power nhận định, thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển xe điện. Theo dự báo của Hiệp hội Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), đến năm 2028, Việt Nam sẽ đạt mốc 1 triệu xe điện và tăng lên 3,5 triệu xe vào năm 2040. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống trạm sạc quy mô lớn cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức.

Theo PV Power, việc phát triển trạm sạc đòi hỏi chi phí đầu tư rất cao phần lớn các doanh nghiệp phải vay đến 70% nguồn vốn. Nếu doanh thu không đạt kỳ vọng, việc thu hồi vốn sẽ kéo dài, gây ảnh hưởng tới khả năng tài chính của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc phát triển trạm sạc tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như việc thỏa thuận đấu nối với đơn vị điện lực, việc tìm vị trí phù hợp cho trạm sạc, và các vấn đề liên quan đến công suất tải điện tại các khu vực đặt trạm.

Để phát triển hệ thống trạm sạc xe điện đồng bộ, PV Power cho rằng cần phải có chính sách, pháp lý tổng thể và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, cơ chế về giá điện dành cho trạm sạc cũng cần có các chính sách phù hợp nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.

Công ty cũng đề xuất cần có cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư, hỗ trợ vay vốn sản xuất hoặc nhập khẩu trang thiết bị, linh kiện để xây dựng hạ tầng trạm sạc, đặc biệt là các trụ sạc nhanh, cùng với các chính sách ưu đãi về thuế, giá bán điện và nguồn cung cấp điện.

Tại Việt Nam, hiện chỉ có duy nhất VinFast là hãng xe nội địa phát triển hệ thống trạm sạc với số lượng lớn lên tới 150.000 cổng sạc tại 63 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, VinFast cũng bắt tay với doanh nghiệp lớn ngành xăng dầu là Petrolimex và PV Oil đặt các trạm sạc pin điện tại các cửa hàng xăng dầu trên cả nước.

Thái Sơn (Tuoitrethudo)

Tư vấn

Cách bảo vệ ô tô mùa lũ giá rẻ, hữu ích

Trong điều kiện ngập lụt, cách bảo quản xe tốt nhất vẫn là đưa xe đến các vị trí cao, ở những khu vực kín gió hoặc có mái che kiên cố, những vị trí nước không thể dâng tới. Nếu...