Mặc dù sử dụng công nghệ đã khá lạc hậu nhưng Radio AM vẫn là trang bị đáng tin cậy trong những môi trường hẻo lánh, hoang vu.
Với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, hệ thống radio trong hơn chục năm trở lại đây đã dần vắng bóng trên các mẫu ô tô, thay thế vào đó là hệ thống màn hình giải trí hiện đại hơn. Tuy nhiên, một dự thảo mới sắp được ban hành thành luật của chính phủ Mỹ có thể đưa loại trang bị cũ kỹ này xuất hiện trên mọi mẫu ô tô sản xuất mới.
Dự luật "Radio AM cho mọi ô tô" đã được Hạ viện Mỹ thông qua vào ngày 18/9 quy định rằng tất cả các xe con mới phải bao gồm thiết bị để truy cập các đài phát thanh AM. Nếu tiếp tục được Thượng viện thông qua, đề xuất này sẽ được ban hành thành luật và radio sẽ trở thành trang bị bắt buộc cho tất cả ô tô mới tại Mỹ.
Nguyên nhân mà các nhà làm luật của Mỹ đề xuất dự thảo này liên quan tới lý do an toàn. Radio AM là một phương thức đáng tin cậy mà chính phủ có thể dễ dàng cung cấp thông tin cho người dân một cách thường xuyên. Ngoài ra, chúng cũng có thể vận hành hiệu quả tại các nơi hẻo lánh, hoang vu không có sóng điện thoại và internet.
Ở chiều ngược lại, nhiều hãng xe không muốn tích hợp công nghệ cũ này lên ô tô mới. Rất nhiều hãng xe, bao gồm những thương hiệu lớn như Volkswagen hay Tesla đã loại bỏ Radio AM trên các mẫu xe của mình trong nhiều năm qua. Ngay cả khi hãng giữ lại đài radio, công nghệ được sử dụng cũng chỉ là FM.
Đối với xe điện, vấn đề này còn phức tạp hơn bởi sóng điện từ có thể gây nhiễu tín hiệu radio. Theo một báo cáo năm 2023 từ Trung tâm Nghiên cứu Ô tô (CAR - Center for Automotive Research), việc giữ lại đài AM sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô tiêu tốn tổng cộng đến 3,8 tỷ USD đến năm 2030 để bảo vệ mô tơ điện trước ảnh hưởng của sóng radio.
Thái Sơn (Tuoitrethudo)