Trước thông tin Sở GTVT Hà Nội dự kiến sẽ chọn một trong 2 tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi để thí điểm hạn chế xe máy, không ít chuyên gia và người dân đã thẳng thắn nêu quan điểm của mình về đề án này.
Ngày 11-3 ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, thành phố dự kiến sẽ thí điểm dừng hoạt động xe máy tại một trong 2 tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi.
Thông tin này hiện đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội và đây sẽ là quyết định mang tính lịch sử, đột phá, vì sự phát triển của Thủ đô.
Hà Nội thí điểm cấm xe máy: Người đồng thuận, người lo ngại
Liên quan đến vấn đề này, trả lời phỏng vấn VOV, Đại biểu HĐND TP Hà Nội - ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái cho rằng: “Cấm phương tiện xe máy trong nội đô được hay không phụ thuộc vào quyết tâm của Thành phố. Tuy nhiên việc cấm này phải có lộ trình. Nhìn ra thủ đô các nước trên thế giới, thậm chí là những nước chậm phát triển hơn Việt Nam, họ còn chẳng có cái xe máy nào đi ngoài đường. Nếu chúng ta không hạn chế xe máy, sẽ nhiều vấn đề nan giải, và nếu 5 triệu xe máy bây giờ trở thành 5 triệu ô tô (trong tương lai) thì nó sẽ khủng khiếp như thế nào?”- ông lo lắng.
Không chỉ có các chuyên gia mà nhiều người dân cũng đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình. Anh Chu Văn Thắng, quận Thanh Xuân, Hà Nội nói: "Ban đầu cái gì thay đổi thường người dân sẽ phản ứng. Tuy nhiên, về lâu về dài người dân cũng phải ủng hộ chính sách của Nhà nước để đảm bảo thuận tiện đi lại và phát triển kinh tế".
Ông Hồ Anh Tuấn, quận Thanh Xuân, Hà Nội nói: "Đi xe bus là tốt nhất, xe máy cảm trở giao thông nhiều quá".
Giờ cao điểm, người dân sẵn sàng ngược dòng tại ngã ba Tố Hữu - Mỗ Lao (Hà Đông) để đi ngược chiều
Tuy nhiên, bên cạnh các ý kiến đồng thuận về phương án trên, còn một số người dân cho rằng, chủ trương này rất khó thực hiện, bởi hầu hết phương tiện đi lại của người dân hiện nay là mô tô, xe máy, trong khi đó hệ thống giao thông công cộng lại chưa đáp ứng.
Anh Hoàng Long, quận Ba Đình, Hà Nội cho hay: "Có điều kiện hạ tầng giao thông tốt về công cộng lúc đó mới nên cấm. Bây giờ nếu cấm nhiều người không biết đi phương tiện nào để đến cơ quan. Mặc dù tôi là người rất thích đi phương tiện giao thông công cộng nhưng không thể đi BRT vì BRT không đến được thẳng cơ quan".
Hà Nội thí điểm cấm xe máy là đúng, nhưng nên cấm tuyến đường nào?
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ hoặc không đồng tình, nhiều chuyên gia còn đưa ra các giải pháp giúp phương án cấm xe máy trên đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương thêm bài bản, khoa học.
Trả lời phỏng vấn Tiền Phong, GS.TS Từ Sỹ Sùa cho biết, ông ủng hộ cấm thí điểm trên một số tuyến phố trước khi cấm đồng bộ để tạo thói quen trước. Tuy nhiên, các tuyến phố chọn thí điểm phải là tuyến nằm ở khu vực trung tâm. Với Thủ đô Hà Nội, khu vực trung tâm hiện nay là các tuyến phố được bố trí theo dạng bàn cờ. Cùng với đó hệ thống hạ tầng, đảm bảo giao thông cũng đồng bộ nên nếu chọn thí điểm cấm xe máy ở đây, người dân sẽ dễ dàng thực hiện, gặp các tuyến phố cấm thì người đi xe máy có thể rẽ sang đường khác.
Về kế hoạch cấm xe máy tại đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương, ông Sùa cho rằng, tuy 2 tuyến đường này chiều ngang rộng, hệ thống vận tải gần như hoàn thiện khi có thêm đường sắt đô thị trên cao, tuy nhiên đây là những trục giao thông hướng tâm chính. Do vậy nếu cấm xe máy thì đến 80% người tham gia giao thông bằng phương tiện này tại đây sẽ đi thế nào.
“Giải pháp đưa ra là để mang lại sự hài hòa, hiệu quả trong thực hiện, chứ không phải cứ thấy tuyến đường này, đường kia rộng, có buýt nhanh, đường sắt đô thị… thì cấm xe máy. Thực tế đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương có nhiều loại hình vận tải công cộng, song vẫn thiếu trầm trọng các bãi, điểm đỗ xe nên nếu cấm đường, người tham gia giao thông bằng xe máy chỉ còn cách bay lên không”, ông Sùa nêu thực tế.
Đưa ra giải pháp cho lộ trình thực hiện đề án quản lý phương tiện giao thông, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội cho rằng, nếu chọn cấm xe máy thí điểm trước 1, 2 năm so với lộ trình thì nên chọn các tuyến đường ở khu vực trung tâm, ví như xung quanh hồ Hoàn Kiếm, phố cổ để người dân làm quen. Với tuyến đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương trước khi cấm xe máy đồng bộ tại các quận nội thành nên tổ chức giao thông tại đây bài bản, linh hoạt.
Theo ông Liên, đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương đang có bề rộng lớn nhất Hà Nội, tuy nhiên ùn tắc vẫn xảy ra thường xuyên. Đánh giá về việc này, ông Liên cho rằng, ùn tắc chỉ xảy ra một bên đường, buổi sáng xảy ra với chiều đường vào trung tâm và buổi chiều xảy ra với chiều đường ra ngoại thành.
"Giải pháp cần làm hiện nay thay vì bàn chuyện cấm xe máy là tổ chức, phân luồng giao thông hợp lý”, ông Liên đề nghị. Một số chuyên gia khác thì cho rằng, nếu cấm xe máy trên hai tuyến đường lớn nêu trên thì nguy cơ ùn tắc các tuyến lân cận sẽ tăng khi lượng xe máy đổ dồn về.
Nêu cụ thể hơn, ông Liên cho rằng, thay vì để dải phân cách cứng cố định như hiện nay, nên phân làn đường bằng dải phân cách mềm. Theo đó, với giờ cao điểm buổi sáng thì dải phân cách mềm tự động dịch chuyển mở rộng làn đường đông phương tiện sang phía làn đường ít phương tiện; giờ cao điểm buổi chiều làm ngược lại. “Như vậy vừa giải quyết được bài toán ùn tắc, chưa cần đến cấm xe máy; vừa phát huy hiệu quả khi nhà nước đã phải chi ra hàng nghìn tỷ đồng để mở rộng những tuyến đường này”, ông Liên đánh giá.
Theo thông tin từ Thanh Niên, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, chỉ nên hạn chế xe máy theo vùng, không nên cấm theo trục, tuyến dài như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương là phản khoa học, rất dễ thất bại và gây khổ sở cho người dân, chưa kể khiến tình trạng ùn tắc ở các tuyến đường khác thêm trầm trọng hơn.
Theo ông Tạo, đây là hai tuyến giao thông huyết mạch, kéo dài, nếu cấm xe máy sẽ chuyển sang đường khác để đi, ví dụ cấm đường Lê Văn Lương người dân sẽ đi sang Trần Duy Hưng hoặc Nguyễn Trãi gây ùn tắc hơn.
“Nên hạn chế xe máy khoanh vùng, trước tiên có thể ở vùng lõi quanh hồ Hoàn Kiếm, sau đó loang da báo dần ra các khu vực phụ cận, có thể lan tới bến xe Kim Mã. Tại các khu vực này phải phát triển các điểm trông giữ xe quy mô lớn hoặc các điểm trông giữ tư nhân, người dân sẽ gửi xe máy để đi phương tiện công cộng vào trung tâm”, ông Tạo nói.
Tuyến đường Nguyễn Trãi giờ thấp điểm rất thông thoáng
Chuyên gia này cũng cho rằng, tuy đường Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi đã hoặc sắp có buýt nhanh BRT, tàu đường sắt đô thị nhưng cũng chỉ là phương tiện phối hợp, không thể thay thế hoàn toàn được xe máy. Bởi buýt BRT, tàu điện chưa trở thành mạng lưới khép kín để người dân đi từ điểm đầu đến điểm cuối.
Có nên cấm theo giờ?
Cũng theo ông Tạo, có thể cấm theo giờ hành chính, giờ cao điểm, vào các giờ thấp điểm hoặc từ 19 giờ đến 6 – 7 giờ sáng hôm sau không cấm để tạo thuận lợi cho người dân sinh hoạt.
“Khi ban hành chính sách anh phải tính đến cả những người mà đời sống kinh tế gia đình phụ thuộc vào chiếc xe máy. Không nên ban hành một chính sách mà có thể gây thiệt hại lớn cho người dân và xã hội”, ông Tạo nói.
BRT thường xuyên bị “cướp làn" trên tuyến đường Lê Văn Lương bởi xe máy
Theo thông tin VTV đăng tải, TP Hà Nội cho biết để thực hiện lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển mạng lưới giao thông công cộng, thành phố cũng sẽ lấy ý kiến rộng rãi của chuyên gia và người dân; sẽ tổ chức thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại xe cá nhân, trước tiên là xe máy; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với năng lực phục vụ của mạng lưới phương tiện công cộng.
Trên thực tế, Đường Lê Văn Lương có tuyến bus nhanh BRT (Yên Nghĩa - Kim Mã). Nguyễn Trãi có đường sắt đô thị (Cát Linh - Hà Đông) sắp đưa vào khai thác thương mại. Đây được xem là cơ sở để TP Hà Nội tính tới việc thí điểm hạn chế xe máy. Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội khẳng định sẽ tính toán để không ảnh hưởng tới đi lại của người dân.
Chi Lê (ANTĐ)