Kinh tế khó khăn hơn, tín dụng bị thắt chặt, lãi suất tăng khiến khách hàng khó tiếp cận vay vốn. Điều này làm thị trường ô tô trở nên trầm lắng dù lẽ ra dịp cuối năm thường là thời điểm “ăn nên làm ra” của các showroom.
Hãng xe đua nhau giảm giá
Nếu như trong tháng 10, đầu tháng 11, nhiều mẫu xe ô tô, nhất là ở phân khúc bình dân có xu hướng tăng giá nhẹ do chi phí đầu vào, logistics, tỷ giá… tăng, thì đến cuối tháng 11, đầu tháng 12-2022, các hãng đã phải giảm giá do tình hình tiêu thụ kém khả quan. Anh Nguyễn Văn Nam, trưởng phòng kinh doanh của một showroom Hyundai trên địa bàn Hà Nội cho biết, tháng 12, các mẫu xe bình dân của Hyundai như Accent, Grand i10, Elantra giảm trung bình khoảng 15 - 30 triệu đồng so với tháng trước, một số xe phải bán dưới giá vốn.
Ngay cả mẫu xe mới ra mắt là Stargazer với phân khúc bình dân lẽ ra có thể tạo nên cơn sốt dịp cuối năm, nhưng năm nay tiêu thụ vẫn rất trầm lắng. Tương tự, anh Lê Thái Sơn, nhân viên kinh doanh một showroom Honda trên địa bàn quận Cầu Giấy cũng cho biết, nhiều model xe của hãng đang có mức giảm giá khá lớn. Đơn cử như chiếc CR-V phiên bản E có mức giảm tiền mặt khoảng 70 triệu đồng, CR-V phiên bản G và L giảm từ 80 - 90 triệu đồng. Ở phân khúc thấp hơn, Honda City có mức giảm 55 - 60 triệu đồng.
Cuối tháng 11, đầu tháng 12-2022, các hãng ô tô đã phải giảm giá do tình hình tiêu thụ kém khả quan
Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết các hãng xe thời điểm này đều áp dụng các chương trình giảm giá khá tốt. Chẳng hạn Toyota cũng áp dụng chương trình ưu đãi cho nhiều mẫu xe như Veloz, Vios, hay phân khúc MPV 7 chỗ… với mức giảm giá 30 - 40 triệu đồng. Mẫu sedan hạng B là Vios cũng đang áp dụng mức giảm khoảng 40 triệu tiền đồng. Đáng nói, cùng với giảm giá ô tô thì nhiều đại lý xe cũng tung các chương trình khuyến mại dưới hình thức hỗ trợ lệ phí trước bạ, tặng phụ kiện hoặc giảm trừ trực tiếp vào giá bán.
Đơn cử như Honda triển khai chương trình tặng 100% lệ phí trước bạ cho khách hàng ký hợp đồng mua CR-V và hoàn tất thủ tục thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 7 đến hết 31-12-2022. Ngoài ra, các phiên bản xe Honda còn được tăng kèm quà tặng phụ kiện trị giá khoảng 100 triệu đồng, gồm dán phim cách nhiệt, thảm trải sàn, gập gương điện, phủ gầm, làm chống ồn, bảo hiểm thân vỏ…
Khách hàng mua xe Hyundai trong tháng 12 cũng được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ hoặc hưởng lãi suất ưu đãi 6,99%/năm trong 12 tháng. Mức hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cũng được Toyota áp dụng cho xe Vios phiên bản G và E trong tháng 12, tương ứng số tiền khoảng từ 24,5-36 triệu đồng.
Thị trường ô tô trầm lắng cuối năm do kinh tế khó khăn, ngân hàng thắt tín dụng
Showroom vẫn vắng người mua
Dù đua nhau giảm giá, khuyến mãi, xong thị trường ô tô cuối năm vẫn rất trầm lắng. Có mặt tại showroom ô tô trên đường Giải Phóng, anh Trần Đức Hùng (Định Công, Hà Nội) đang băn khoăn trước quyết định có nên mua một chiếc ô tô hay không. Anh cho biết, nếu mua sẽ phải vay ngân hàng khoảng 400 triệu đồng trong vòng 5 năm. Theo tư vấn của nhân viên tín dụng, lãi suất hiện nay là 13% trong 1 năm đầu, các năm sau thả nổi theo lãi suất cơ sở (lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng + biên độ 4%). Như vậy, mỗi tháng anh sẽ phải trả số tiền gốc gần 6,7 triệu đồng, cộng với khoảng 4,5 triệu đồng tiền lãi. Tính đến khi trả hết nợ, chiếc xe của anh sẽ đội giá thêm khoảng 130 triệu đồng tiền lãi ngân hàng.
Trường hợp khách hàng như trên khá phổ biến tại các đại lý ô tô thời gian gần đây. Anh Nguyễn Văn Nam cho biết, kể từ cuối quý II đến nay, việc tiếp cận tín dụng của khách hàng gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, một số ngân hàng cho vay mua ô tô với lãi suất lên đến 13 - 15,5%/năm trong năm đầu, các năm sau thả nổi. Trong khi giai đoạn trước dịch lãi suất vay mua ô tô chỉ ở mức 9,5 - 9,9%/năm. Đối với các ngân hàng nước ngoài, mức lãi suất dễ chịu hơn (10 - 11%/năm) nhưng yêu cầu hồ sơ, điều kiện vay đối với khách hàng rất khắt khe (khách hàng phải có thu nhập cao và lương phải chuyển khoản qua ngân hàng).
Không chỉ lãi suất tăng, nhiều ngân hàng còn siết cho vay mua ô tô do room tín dụng còn ít. Ngay cả sau khi các ngân hàng được nới room tín dụng, tình hình cũng không được cải thiện. Muốn vay được tiền, khách hàng phải có hồ sơ thật tốt. Đáng nói, dù các ngân hàng không có chủ trương ép khách mua bảo hiểm khi vay tiền, nhưng do room tín dụng hạn chế nên đa phần các nhân viên tín dụng đều yêu cầu khách phải ký hợp đồng mua bảo hiểm mới phê duyệt khoản vay. Điều này cũng khiến khách hàng càng trì hoãn ý định mua ô tô.
Anh Nam cho biết, thời điểm này so với đầu năm lượng bán xe ở showroom của anh giảm khoảng 40%. “Chúng tôi đặt mục tiêu tháng 12 này bán được 200 xe, nhưng với tốc độ bán hàng như hiện nay thì nhiều khả năng không đạt” - anh cho biết. Không bán được xe, nhiều đại lý đang gặp khó khăn, buộc phải tạm dừng các đơn đặt hàng với hãng. Theo anh Nam, thông thường các đại lý sẽ phải đặt hàng với hãng khoảng 3 - 4 tháng mới có xe. Do thị trường các tháng cuối năm nằm ngoài dự tính, thời điểm này xe về nhiều nhưng bán hàng lại khó khăn, lợi nhuận không đạt được, do vậy doanh nghiệp gặp áp lực quay vòng vốn, phải tạm dừng đơn đặt hàng.
Chợ xe cũ “ngủ đông”
Xe mới đã khó khăn, các đại lý buôn bán ô tô cũ còn ảm đạm hơn. Anh Hùng, chủ salon H Auto cho biết, từ khi anh bước vào kinh doanh mặt hàng xe cũ, đây có lẽ là thời điểm ảm đạm nhất nếu so với các tháng cuối năm trước. Ước tính doanh số 3 tháng cuối năm 2022 của salon này chỉ đạt 20 - 30% so với những năm trước. Nguyên nhân cũng được anh Hùng cho biết là do ngân hàng tăng lãi suất và siết room tín dụng nên khách hàng không tiếp cận được vốn vay. “Kinh doanh cũng phải vay vốn ngân hàng, nhưng không bán được xe thì chúng tôi cũng không xoay vòng được tiền để trả ngân hàng” - anh Hùng nói.
Tương tự, anh Quyết, chủ một salon ô tô cũ cũng cho biết, nếu như những tháng đầu năm, thị trường ô tô cũ rất sôi động và nhộn nhịp, thậm chí nhiều mẫu ô tô cũ giá còn cao hơn xe mới do khan hiếm nguồn cung, thì từ tháng 6 trở lại đây tình cảnh hoàn toàn trái ngược và đến những tháng cuối năm càng ảm đạm hơn. “Gần như cả ngày nhân viên chỉ ngồi chơi xơi nước, may mắn thì bán được 1 - 2 chiếc. Trong khi chúng tôi vẫn phải duy trì mặt bằng, trả lương nhân viên, lãi suất ngân hàng tăng… nên gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi phải co kéo, phải bán lỗ những xe nhập giá cao và không dám nhập thêm xe mới” - anh Quyết than thở.
Theo những người kinh doanh ô tô, ngoài việc lãi suất ngân hàng tăng, khách hàng khó tiếp cận khoản vay thì tình trạng “ngủ đông” của thị trường ô tô cũ còn do tình trạng suy thoái kinh tế nói chung, những biến động tiêu cực trên thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… khiến cho một dòng tiền lớn bị kẹt. Đối với xe cũ càng khó khăn hơn khi các hãng xe mới liên tục tung ra các ưu đãi, giảm giá để kích cầu. Do vậy, với phân khúc xe giá rẻ (dưới 600 triệu đồng) vẫn túc tắc bán được nhưng phân khúc xe giá trên dưới 1 tỷ đồng hầu như đóng băng. Dù kỳ vọng lượng tiêu thụ ô tô sẽ cải thiện từ nay đến Tết, nhưng những người kinh doanh ô tô cũng cho rằng, thị trường sẽ khó sôi động được như những năm trước đây.
Nhật Linh (ANTĐ)