Việc băng qua đường tùy tiện theo kiểu “mạnh ai nấy đi” đã trở thành một thói quen của đại bộ phận người dân, đặc biệt là cư dân tại các đô thị. Bao nhiêu cây cầu vượt bộ hành ở những đại lộ, xa lộ, trước cổng các bệnh viện,…được xây dựng nhưng tại sao phần lớn mọi người vẫn lựa chọn băng ngang qua đường giữa dòng xe đông đúc, đối mặt “tử thần”?
Chúng ta có từng nổi giận khi gặp một người đi bộ băng ngang đường ngay dưới chân cầu bộ hành hay bất chợt băng qua đường dành cho xe lớn, trèo qua dải phân cách?
Đây là thực trạng mà ngày nào chúng ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp ở đô thị, đặc biệt là các thành phố lớn. Điển hình như tại trục đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) có tới 5 cầu vượt dành cho người đi bộ trên đoạn đường dài 4km. Đây là con đường đi an toàn nhất mà người dân có thể lựa chọn khi muốn sang đường bên kia, ấy vậy mà nhiều người vẫn lựa chọn đối mặt với “tử thần”, băng qua lòng đường tấp nập xe cộ ở bất kì vị trí nào.
Tương tự tại đường Chùa Bộc, quận Đống Đa, cây cầu vượt trước cổng Học viện Ngân hàng cũng trong cảnh bị người dân “ngó lơ”. Đây là vị trí có trường đại học nên có lượng sinh viên tham gia giao thông rất lớn. Chỉ cần đứng ít phút tại đây vào giờ cao điểm, chúng ta sẽ bắt gặp không ít tốp sinh viên sau khi kết thúc buổi học, ra khỏi cổng trường không chọn đi qua cầu đi bộ mà lại “túm năm tụm ba” chờ đèn tín hiệu tại nút giao Chùa Bộc - Học viện Ngân hàng chuyển đỏ rồi băng qua đường. Thậm chí, một số người còn không đủ kiên nhẫn để chờ đèn đỏ, bất chấp luồn lách giữa dòng phương tiện để sang đường.
Hay như trên đường Láng Hạ, nhằm tạo thuận lợi cho người đi bộ và hành khách đi xe buýt nhanh (BRT), cầu vượt đi bộ đã được thiết lập gần các nhà chờ BRT Thành Công và Giảng Võ. Tuy nhiên, nhiều người đi bộ vẫn lựa chọn lách qua “khe cửa hẹp” giữa các thanh lan can sắt, xuống lòng đường để sang đường.
Thiết nghĩ nguyên nhân chính của hiện tượng băng qua đường tùy tiện này là do ý thức chấp hành luật giao thông của nhiều cá nhân tại các đô thị còn rất kém. Cái thói quen cứ thích là đi, đi tắt cho nhanh, leo lề cho lẹ, mặc kệ người khác dường như đã ăn vào tâm thức của nhiều người. Cũng bởi ai cũng cho rằng việc đi bộ qua đường là việc nhỏ, nên cứ tùy tiện qua đường rồi tự đẩy mình vào tình thế hiểm nguy và kéo cả người khác vào.
Mặc dù việc băng qua đường tùy tiện theo kiểu “thích là đi” đã trở thành một thói quen của đại bộ phận người dân, nhưng các chính sách răn đe và xử phạt vẫn nên được thiết lập, để giảm thiểu cũng như dần dần khắc phục tình trạng vô ý thức trên.
Để giảm thiểu triệt để tình trạng người đi bộ qua đường tùy tiện, cần tuyên truyền giáo dục về ý thức, văn hóa giao thông cũng như tăng cường kiểm tra và xử phạt những trường hợp vi phạm để người đi bộ nhận ra trách nhiệm của họ khi tham gia lưu thông.
T.T (Tuoitrethudo)