Cuộc khủng hoảng chip bán dẫn cùng đại dịch Covid-19 đang khiến ngành công nghiệp ô tô toàn cầu rơi vào trạng thái “điêu đứng”. Cụ thể tại thị trường Hàn Quốc, trong tháng 8 vừa qua ngành công nghiệp ô tô nội địa tiếp tục bị sụt giảm 5,0 % so với năm trước (111.847 chiếc), xuống còn 106.247 chiếc.
Do việc cung cấp chất bán dẫn và chip còn hạn chế, cộng thêm vào đó là nhiều cơ sở sản xuất phải tạm dừng do đại dich Covid-19 đã khiến cho sản lượng của các hãng xe Hàn bị cắt giảm đáng kể.
Nếu xét theo số lượng, Hyundai Porter hiện đang là mẫu xe bán chạy nhất tại xứ sở kim chi. Trong khi đó, nếu chỉ tính ở mảng xe du lịch thì Kia Sportage hiện đang là mẫu xe con bán chạy nhất.
Trong tháng 8 vừa qua, Hyundai Motor đã bán được 42.727 chiếc tại thị trường nội địa, giảm 10,1% so với năm trước. Trong đó, đứng đầu về doanh số thuộc về Porter với 7.424 chiếc trong tháng 8. Mặt khác, Hyundai Grandeur lại bị đẩy ra khỏi top 10 khi chỉ bán được 3.685 chiếc, doanh số bán hàng giảm 64,0% so với cùng tháng năm ngoái. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 9/2019 (4.814 chiếc), doanh số Grandeur giảm xuống dưới 5.000 chiếc mỗi tháng.
Được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nơi sản xuất Grandeur và Sonata (nhà máy Asan ở Chungnam) đã ngừng hoạt động trong khoảng 4 tuần kể từ giữa tháng 7 để chuẩn bị cho dây chuyền sản xuất xe điện. Với tình hình thiếu hụt chất bán dẫn cộng thêm các nhà máy sản xuất đóng cửa như hiện tại thì phải khoảng hai tháng nữa Grandeur mới tiếp tục được sản xuất.
Bên cạnh đó, một số mẫu xe khác của Hyundai vẫn được nằm trong top 10 với doanh số khá tương đối, gồm Sonata (4.686 chiếc), Avante (4.447 chiếc), Palisade (4.011 chiếc) và Tucson (3.821 chiếc). Tiếp theo là Ioniq 5 và Santa Fe với doanh số bán ra lần lượt là 3.337 và 3.322 chiếc. Đây là 2 mẫu xe chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc thiếu nguồn cung cấp chất bán dẫn.
Theo ngay sau thương hiệu Hyundai là Kia với tổng lượng xe bán ra là 41.003 chiếc trong tháng 8. Không giống như các thương hiệu khác, Kia có doanh số xe bán ra tăng 6,6% so với cùng tháng năm ngoái. Chiếc xe đại diện cho Kia, dẫn đầu thị trường Hàn Quốc là Sportage với doanh số 6.571 chiếc, tăng 346,4% so với năm trước nhờ hiệu ứng của phiên bản mới ra mắt. Tuy nhiên, Sportage cũng không phải trường hợp ngoại lệ của việc bị trì hoãn sản xuất và giao xe do thiếu chất bán dẫn.
Ngoài ra, Kia còn có Carnival (5.611 chiếc), K5 (4.368 chiếc), Sorento (3.974 chiếc) và xe điện EV 6 (1.910 chiếc) góp phần đẩy mạnh doanh số bán hàng của thương hiệu.
Thương hiệu Genesis đã ghi nhận con số 8.307 chiếc trong tháng 8, mặc dù tình hình hoạt động vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng sản lượng tiêu thụ của hãng lại giảm mạnh so với tháng trước. Các sản phẩm chịu sự sụt giảm gồm có G90 (203 chiếc), G80 (3.718 chiếc), GV70 (2.575 chiếc) và GV80 (1.231 chiếc).
Các hãng khác cũng ghi nhận doanh số kém: Ssangyong Motor bán được 4.861 chiếc - giảm 28,4% so với năm trước, GM Hàn Quốc bán được 4.745 chiếc – giảm 19,5% so với cùng tháng năm ngoái, Renault Samsung 4.604 chiếc – giảm 26,4% so với năm trước.
Mặt khác, thị trường ô tô nhập khẩu tháng trước tại Hàn Quốc lại tăng 4,6% so với năm trước, đạt 24.601 chiếc trong tháng 8. Tesla Model Y và Model 3 là hai cái tên lọt vào top 5 trong danh sách cùng với các mẫu xe quen thuộc như Mercedes-Benz E-Class, BMW 5 Series và Volkswagen Tiguan.
Tiếp nối tháng 7 năm nay, mẫu xe nhập khẩu bán chạy nhất tháng 8 là E-Class. E-Class cho thấy sự tụt dốc sau Tesla Model Y và Model 3 trong hai tháng 5 và tháng 6, nhưng thương hiệu này đã nhanh chóng lấy lại vị trí của mình với 3.132 xe trong tháng 8 vừa qua.
Kế tiếp là Model Y với 1.550 chiếc, hạng 3 thuộc về BMW 5 series (1026 chiếc) và hạng 4 dành cho Tiguan (1014 chiếc). Đứng vị trí thứ 5 và thứ 6 lần lượt là Model 3 (880 chiếc) và S-Class (846 chiếc).
Tú Trương (Tuoitrethudo)
Tham khảo: Motorgraph