Đóng
 

Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:52
17:54  |  19/05/2023

Trung Quốc gần như "thống trị" thế giới về sản xuất pin xe điện

Thế giới đang bước vào kỷ nguyên xe điện, chính vì thế, vấn đề sản xuất pin trở thành một ưu tiên đối với nhiều quốc gia. Nhờ lợi thế gia nhập cuộc đua sản xuất pin từ sớm, Trung Quốc hiện đang dẫn đầu và bỏ xa các quốc gia còn lại…

Theo đó, chỉ tính riêng năm 2022, công suất sản xuất pin của Trung Quốc đã nhiều hơn phần còn lại của thế giới cộng lại. 

Với công suất gần 900 gigawatt giờ (GWh), chiếm 77% tổng công suất toàn cầu, Trung Quốc hiện là nơi đặt trụ sở của 6/10 công ty sản xuất pin lớn nhất thế giới. Dù xe điện phát triển sớm và nổi bật tại Mỹ, nhưng tính tới năm 2022, nước này mới chỉ có 8 nhà máy pin lớn đang hoạt động, chủ yếu đặt tại vùng Trung Tây và phía Nam.

Kiểm soát nguồn cung nguyên liệu

Pin là thành phần quan trọng nhất của xe điện khi chiếm tới 40% giá thành của một chiếc xe. Và yếu tố quan trọng nhất để tạo ra một chiếc xe điện để bán được ra thị trường là một loại pin mạnh mẽ và đáng tin cậy nhưng vẫn có giá phải chăng.

Một trong những lợi thế quan trọng đưa Trung Quốc dẫn đầu trong công cuộc sản xuất pin là việc nước này kiểm soát rất nhiều nguyên liệu cần thiết để tạo ra vật liệu pin như coban, niken sunfat, lithium hydroxit và than chì. 

Tận dụng lợi thế được Chính phủ hỗ trợ, các công ty Trung Quốc đã thâu tóm cổ phần các công ty khai thác khoáng sản trên các châu lục. Theo thống kê, quốc gia tỷ dân này đang nắm giữ 41% hoạt động khai thác coban trên toàn thế giới.

Ngoài ra, các khoáng sản khác như niken, mangan và than chì… dù đóng vai trò nhỏ trong quá trình sản xuất pin xe điện cũng đều được các công ty Trung Quốc quan tâm và tận dụng triệt để. Việc Trung Quốc đầu tư vào các mỏ khoáng sản tại Indonesia đã giúp quốc gia Đông Nam Á này trở thành quốc gia có trữ lượng niken lớn nhất thế giới vào năm 2027. 

Trong khi Trung Quốc mạnh tay đầu tư để phát triển thì các quốc gia phương tây lại tỏ ra khá dè dặt. Họ không dám mạo hiểm đầu tư vào các quốc gia có nền chính trị không ổn định, đất nước kém phát triển, trình độ lao động thấp. 

Nhiều quốc gia phụ thuộc vào Trung Quốc để tinh chế khoáng sản

Dù các quốc gia có chủ động nguồn cung, sẵn nguyên vật liệu nhưng hầu như đều phải chuyển đến Trung Quốc để xử lý, tinh chế thành vật liệu cấp pin.

Bởi, việc tinh chế mất nhiều thời gian và gây ô nhiễm đáng kể cho môi trường. Ví dụ như tinh chế than chì, xử lý niken gây ô nhiễm không khí, tạo ra chất thải độc hại ảnh hưởng đến con người. Tuy nhiên, quy trình về môi trường tại Trung Quốc lại dễ dàng hơn nên nhiều công ty chọn quốc gia này để tinh chế khoáng sản.

Chưa hết, vì được Chính phủ hỗ trợ nên các công ty tại Trung Quốc có thể tinh chế khoáng sản với trữ lượng khổng lồ nhưng chi phí lại thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác.  

Giữ nhiều vai trò, sản xuất hầu hết các bộ phận trong pin

Theo The New York Times, Trung Quốc trở thành nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới một phần nhờ tìm ra cách sản xuất các bộ phận pin hiệu quả chi phí thấp. Thành phần quan trọng nhất là cực âm, cực dương của pin, trong đó, cực âm là vật liệu khó chế tạo và tốn nhiều năng lượng nhất.

Trung Quốc đã đi đầu trong việc đầu tư vào một giải pháp thay thế rẻ hơn và hiện đã chiếm một nửa thị trường cực âm. Đó chính là LFP, một loại pin lithium-ion sử dụng lithium iron phosphate làm vật liệu cực âm. Đối với các nước phương Tây, LFP là cơ hội để vượt qua các nút thắt cổ chai khoáng sản và nguyên liệu này được Trung Quốc sản xuất gần như toàn bộ.

Các công ty Mỹ quan tâm đến LFP đều phải hợp tác với các công ty Trung Quốc có kinh nghiệm để sản xuất.

Bên cạnh đó, các công ty Trung Quốc cũng sản xuất hầu như tất cả các thành phần của pin. Đất nước tỷ dân này là một trong bốn nhà sản xuất chất điện phân lớn nhất trên thế giới.

Sản lượng ô tô điện tăng cao 

Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng hiện tại, Trung Quốc đang là quốc gia sở hữu nhiều hãng ô tô điện nhất thế giới. Tất cả xe điện đều sử dụng pin nội địa Trung. Người mua xe điện ở Trung Quốc cũng được Chính phủ hỗ trợ giảm thuế, đăng ký xe với giá rẻ hơn, được tiếp cận mạng lưới sạc điện rộng khắp. 

Trong 2 năm qua, số lượng xe điện bán ra hàng năm tại Trung Quốc đã tăng từ 1,3 triệu xe lên 6,8 triệu xe, một con số khổng lồ khiến năm 2022 trở thành năm thứ 8 liên tiếp quốc gia này là thị trường xe điện lớn nhất thế giới.

Sự thống trị trong lĩnh vực xe điện không chỉ giúp ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc tăng trưởng bền vững mà còn thúc đẩy nước này trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về chính sách khí hậu.

TH (Tuoitrethudo)

Tư vấn

Lựa chọn SUV phân khúc 1,5 tỷ liệu có khó?

Tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe SUV cỡ 1,5 tỷ luôn là phân khúc khác biệt hoàn toàn so với các phân khúc giá rẻ, bởi khách hàng lựa chọn mua xe ở phân khúc này đều có những...