Đóng
 

Thứ ba, 19/03/2024 | 04:07
18:29  |  23/01/2019

Vé xe Tết Nguyên đán: Phía Bắc đứng yên, phía Nam tăng hết cỡ

Trong khi giá vé xe dịp Tết Nguyên đán 2019 ở đầu Hà Nội dường như không tăng thì tại phía Nam, mức tăng theo quy định tối đa là 60% chiều rỗng nhưng thực tế giá vé đang tăng không phanh.

Đầu Hà Nội giữ nguyên giá vé dịp Tết

Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, các nhà xe khai thác tại các bến xe do Công ty quản lý gồm Mỹ Đình, Giáp Bát và Gia Lâm chưa thấy gửi thông báo về việc tăng giá xe khách dịp Tết Nguyên đán 2019.

Nhiều nhà xe lớn trên địa bàn Hà Nội như Văn Minh, Kumho Việt Thanh, Non Nước Ninh Bình, Anh Huy, Hùng Hoa, Hải Hạnh... đi các tỉnh đã chính thức mở bán vé. Tuy nhiên, hầu như giá vé không thay đổi so với ngày thường. Giá dao động từ 80-250.000 đồng/vé. Các nhà xe này đều bán vé thông qua cả 2 hình thức là online và bán trực tiếp tại các điểm bán vé của hãng.

Ông Đỗ Quang Việt, lái xe nhà xe Văn Minh, chuyên chạy tuyến Hà Nội- Vinh cho biết, giá xe dịp Tết không tăng so với ngày thường. Để đáp ứng nhu cầu của hành khách, công ty đang bán vé qua 2 hình thức gồm: Bán vé online thông qua trang web, đồng thời cũng sẽ bán tại các quầy bán vé trực tiếp. Giá vé sẽ giữ nguyên như các ngày bình thường, đảm bảo đủ vé cho nhu cầu của khách và không để xảy ra tình trạng nhồi nhét.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội cam kết không để hành khách phải thiếu vé hay bị tăng giá vé trong dịp Tết Nguyên đán 2019. Sở GTVT đã phối hợp với Thanh tra Sở Tài chính kiểm tra việc kê khai, niêm yết, bán đúng giá vé niêm yết tại bến xe.

“Nhà xe nào tự ý tăng giá vé sẽ xử lý nghiêm. Sở GTVT Hà Nội đã cung cấp đường dây nóng là số điện thoại cá nhân của lãnh đạo Sở. Do đó, thấy nhà xe tăng giá, nhồi nhét, hành khách hãy gọi điện và phản ánh để chúng tôi xử lý kịp thời”, ông Viện khẳng định.

Đầu TP.HCM tăng không phanh

Trong khi đó, tại bến xe miền Đông và miền Tây, giá vé xe Tết đang được các nhà xe đẩy lên cao chóng mặt, bắt chẹt người dân.

Cụ thể như, vé TP.HCM-Hà Nội vào ngày 24 tháng Chạp của nhà xe Hoàng Long ở bến xe Miền Đông đang được bán từ 1,9 triệu đồng đến 2,1 triệu đồng, tùy theo thời gian đi trong ngày. Đáng nói, số vé cũng không còn nhiều.

Riêng ngày cao điểm 27 tháng Chạp, giá vé lên đến 2,5 triệu đồng/vé. Trong khi đó, vào ngày thường vé giường nằm khoảng 700.000 - 800.000 đồng, cao điểm dịp Tết được phụ thu thêm 60%, tương đương 1,28 triệu đồng. Như vậy, trường hợp hãng xe Hoàng Long đã bán vé phụ thu vượt 160%.

Tương tự, một số nhà xe như Cúc Tùng, Chín Nghĩa chạy tuyến miền Trung cũng đẩy giá vé lên rất cao. Ví dụ, nhà xe Chín Nghĩa chạy tuyến Sài Gòn - Quảng Ngãi bán vé ngày 24 tháng Chạp là 610.000 đồng/vé ghế ngồi, 1,185 triệu đồng/vé giường nằm.

Theo tìm hiểu, ngày thường, giá vé xe Chín Nghĩa là 340.000 đồng/vé giường nằm, nếu thêm 60% giá vé phụ thu sẽ tương đương khoảng 544.000 đồng. Thế nhưng, dịp Tết này nhà xe đã tăng vượt mức cho phép 140%.

Trong khi đó, Sở GTVT TP. HCM cho biết, hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp vận tải xe khách đều trình Sở đề xuất tăng từ 20 - 60% phụ thu giá vé tùy thời điểm, lộ trình.

Việc kê khai tăng giá vé dịp Tết để các doanh nghiệp bù vào chiều chạy rỗng từ tuyến tỉnh trở về thành phố và chi trả các chi phí đều tăng trong dịp Tết.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp trong bến phải đảm bảo đủ xe phục vụ người dân, các điều kiện về an toàn, phòng chống cháy nổ, chạy đúng tuyến, chở đúng số ghế theo quy định. Giá vé trên phải được công khai niêm yết tại điểm bán vé trong các bến xe. Nếu nhà xe nào không chấp hành, thu quá giá quy định sẽ bị xử phạt theo quy định.

Hải Dương (ANTĐ)