Đóng
 

 

Thứ bảy, 23/11/2024 | 04:29
10:25  |  28/02/2023

Cuộc chiến xe điện: Tesla có thể bị “soán ngôi” nếu không thay đổi

Sau khoảng 2 thập kỷ hình thành và phát triển, Tesla đã phá vỡ mọi rào cản của ngành công nghiệp ô tô truyền thống và tạo dựng được một vị trí nhất định trên thị trường ô tô điện thế giới.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, xe điện dần trở thành “miếng mồi béo bở” mà hãng xe nào cũng “thèm khát”. Trước “làn sóng” cạnh tranh khốc liệt từ thị trường, xe điện Tesla dần đứng trước nguy cơ bị đánh bại nếu không thay đổi và phát triển.

Tesla là hãng xe điện và năng lượng sạch của Mỹ, với trụ sở đặt tại TP Austin, bang Texas. Các sản phẩm chính của Tesla bao gồm xe điện, hệ thống pin cho nhà ở, tấm pin mặt trời và các sản phẩm, dịch vụ liên quan.

Tesla được đánh giá là công ty đi đầu trong cuộc cách mạng EV, với khả năng cung cấp chiếc xe điện đầu tiên có phạm vi hoạt động sánh ngang xe xăng và cơ sở hạ tầng sạc rộng lớn. 

Không chỉ thế, “gã khổng lồ” xe điện này còn dẫn đầu công cuộc đổi mới, chẳng hạn như cập nhật phần mềm qua mạng, màn hình cảm ứng khổng lồ, tính năng ra vào xe không cần chìa khóa hay khả năng lái rảnh tay… Tuy nhiên, giờ đây, những tính năng này dần trở nên lỗi thời, khi mà hãng xe nào cũng có thể tạo ra. 

Trong khi hàng loạt các hãng xe lớn như GM, Ford và Hyundai đang ngày càng phát triển. Họ sẵn sàng chi hàng tỷ USD để đầu tư, nghiên cứu các tính năng mới cạnh tranh trực tiếp với Tesla như lái xe rảnh tay hoặc pin tăng hiệu suất, thì Tesla vẫn “dậm chân tại chỗ”. 

Cụ thể, vào đầu tháng 2 vừa qua, khi Mercedes-Benz đạt chứng nhận đầu tiên về hệ thống lái rảnh tay Cấp độ 3, tức chỉ yêu cầu sự can thiệp của con người trong điều kiện lái xe khắc nghiệt. Thì cùng lúc đó, Tesla lại phải “ngậm ngùi” thu hồi hơn 362.000 chiếc xe do một số lỗi liên quan đến phần mềm tự lái hoàn toàn (FSD) có thể gây nguy cơ mất an toàn cho người dùng khi tham gia giao thông. Tính năng này trước đây từng là niềm tự hào, là độc quyền của hãng xe điện Mỹ nhưng giờ đây lại liên tục gặp lỗi, người dùng khó có thể yên tâm khi sử dụng.

Việc chậm phát triển, thay đổi của Tesla còn thể hiện qua việc đã hơn 10 năm kể từ khi ra mắt mẫu xe Model S, nhưng hãng không hề thay đổi thiết kế, xe vẫn giữ nguyên thiết kế có phần lỗi thời, trong khi các nhà sản xuất xe khác vẫn liên tục thay đổi, nâng cấp vòng đời để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Thời gian gần đây, Tesla từng ấp ủ ý định sẽ “lột xác” làm mới lại ngoại hình cho Model 3 và Model Y. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích ô tô, động thái trên là quá muộn. 

Không chỉ thế, Tesla còn đang dần đánh mất sự mới lạ trong cách bán xe hơi. Từ khi bắt đầu, hãng xe điện Mỹ đã thực hiện việc bán xe bằng cách bán ô tô trực tiếp cho khách hàng mà không qua đại lý, để nhằm kiểm soát giá cả.

Tuy nhiên, việc không thông qua đại lý khiến các thủ tục mua xe hay pháp lý trở nên rườm rà, khó giải quyết, khiến Tesla mất đi một tệp khách hàng lớn. Bên cạnh đó, mạng lưới dịch vụ của Tesla vẫn còn khá mỏng, khi chỉ có 670 cửa hàng và 1.300 tùy chọn dịch vụ di động để phục vụ khoảng 2 triệu chiếc Tesla.

Trong khi đó, cũng thực hiện mô hình bán hàng trực tiếp như Tesla, nhưng các công ty như Ford và Audi lại khác. Họ có mạng lưới các đại lý trải dài trên toàn quốc chính vì thế, khách hàng có thể dễ dàng mang xe đi bảo dưỡng hay sửa chữa bất cứ lúc nào và ở đâu.

Ngày càng có nhiều các hãng xe mới ra đời, các nhà sản xuất xe lớn cũng liên tục cập nhật để thay đổi, bắt kịp xu hướng. Chính vì thế, những hãng xe nào không chịu thay đổi, nâng cấp trang bị tiện ích, tối ưu giá cả thì sẽ khó có thể cạnh tranh. Trước đây, những vấn đề này hoàn toàn không ảnh hưởng đến Tesla.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2021, Tesla ký thỏa thuận cung cấp 100.000 xe cho Hertz thuê. Việc vốn hóa thị trường hãng này đạt 1 nghìn tỷ USD chỉ sau vài ngày khiến nhiều lời đàm tiếu về việc Tesla đang phát triển, “phình to” quá mức.

Cùng thời điểm đó, CEO của Tesla là Elon Musk lại tiếp tục bỏ 44 tỷ USD (khoảng hơn 1000 tỷ VNĐ) để thâu tóm mạng xã hội Twitter. Việc này khiến ông phải bán bớt cổ phần trong Tesla và nhận lại khoản nợ khổng lồ mới.

Sự khoa trương và lời đàm tiếu rầm rộ đã khiến cổ phiếu của hãng xe điện Mỹ tụt dốc không phanh. 

Trong năm 2022, Tesla đã tăng giá bán một số dòng xe với lý do chi phí tăng và phải cập nhật hệ thống, song đến cuối năm lại bất ngờ tung các chương trình chiết khấu. Khi khách hàng đổ xô mua xe thì khoảng nửa tháng sau đợt chiếu khấu đó, hãng Tesla lại tiếp tục giảm giá một lần nữa.

Động thái giảm giá sâu rộng đã gây ra làn sóng phẫn nộ cho những người dùng Tesla, bởi chiếc xe mới của họ mất tới 20% giá trị chỉ sau một đêm. 

Hàng loạt các sự kiện liên tiếp xảy ra khiến các nhà đầu tư của Tesla hoảng sợ, khách hàng biểu tình, còn cổ phiếu Tesla giảm đến 65%, khiến vốn hóa công ty này “bốc hơi” gần 700 tỷ USD (khoảng 16,6 nghìn tỷ VNĐ).

Tuy nhiên, ngay cả khi cổ phiếu Tesla liên tục lao dốc, thì nó vẫn được định giá cao hơn so với lợi nhuận dự kiến, đây là sự khác biệt với hầu hết công ty công nghệ lớn hiện nay. 

Theo các chuyên gia, vị thế dẫn đầu thị trường EV của Tesla trước đây không dễ để soán ngôi, đặc biệt là ở Mỹ, nơi nhà sản xuất ô tô này bán được nhiều xe hơn cả trong suốt năm 2022. Tuy nhiên, một vài dấu hiệu đang cho thấy vị trí "gã khổng lồ" xe điện của Tesla đang sắp tuột dốc, trong bối cảnh Tesla “bận” đối mặt với loạt rắc rối xoay quanh đà lao dốc của cổ phiếu, công nghệ Autopilot cùng triển vọng u ám về tăng trưởng.

TH (Tuoitrethudo)

Tags: xe điện    Hyundai   tesla   GM   Elon Musk  

Tư vấn

Lựa chọn SUV phân khúc 1,5 tỷ liệu có khó?

Tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe SUV cỡ 1,5 tỷ luôn là phân khúc khác biệt hoàn toàn so với các phân khúc giá rẻ, bởi khách hàng lựa chọn mua xe ở phân khúc này đều có những...