Tesla Model 3 là một chiếc xe rất đặc biệt xét trên bình diện thế giới, và nó lại càng đặc biệt tại Việt Nam, đất nước gần như không có cơ sở hạ tầng để phục vụ xe chạy điện hoàn toàn.
Tesla là một cái tên còn khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng trong vòng 10 năm qua, đây là hãng xe liên tục gây sốt bằng những sản phẩm đình đám và những phát ngôn cũng đình đám không kém của Elon Musk, CEO hãng. Bỏ qua những lùm xùm về những câu nói và các dòng tweet gây tranh cãi của tỷ phí họ Musk, nếu chỉ tập trung vào thương hiệu Tesla thì ta sẽ thấy đây là một hãng xe vô cùng thú vị. Họ đi lên từ con số 0 tròn trĩnh, vượt qua hàng tá rào cản về kỹ thuật và chính sách và trên hết, họ đã làm được một điều lịch sử: ghi dấu ấn trong phân khúc xe chạy điện hoàn toàn (EV) và đánh thức những gã khổng lồ ngành xe, bắt buộc họ phải dấn thân vào cuộc chơi xe điện. Dù không rõ liệu 10 năm tới Tesla có còn tồn tại hay không nhưng ngay bây giờ, họ hoàn toàn xứng đáng được ghi danh sử sách.
Đặc biệt ngay từ tên gọi
Bạn có thể đọc thêm về lịch sử hãng xe non trẻ này tại đây, còn bây giờ, hãy cùng khám phá chiếc Tesla Model 3 Long Range RWD trong bài viết ngày hôm nay. Roadster là mẫu xe khởi đầu của Tesla, Model S là chiếc xe đưa tên tuổi Tesla đến mọi châu lục, Model X tăng thêm sức hút cho dải sản phẩm của Tesla nhưng Model 3 mới là dòng xe quan trọng bậc nhất nhằm hiện thực hóa tham vọng trở thành một thế lực lớn trong ngành xe hơi của Elon Musk.
Trước khi Tesla Model 3 chính thức lên dây chuyền sản xuất, vị CEO lắm tài nhiều tật kia đã “khoe khoang” rằng hãng đã nhận được 400.000 đơn đặt trước cho Model 3 ngay cả khi chưa khách hàng nào được trực tiếp ngồi vào nó. Con số này có gì thú vị? Nó tương đương với doanh số hàng năm của 2 mẫu sedan được coi là chuẩn mực trong phân khúc xe sang cỡ nhỏ: BMW Series 3 và Mecedes C-Class. Bằng việc công bố con số này, Elon Musk muốn nhắn nhủ đến báo giới rằng sức hút của Tesla Model 3 lớn tới mức nào, và tỷ phú này muốn thể hiện rõ tham vọng trở thành một hãng xe lớn chứ không chỉ là một hãng nhỏ, chuyên sản xuất xe dành cho giới nhà giàu lắm tiền nhiều của.
Như vậy, có thể coi Tesla Model 3 là chiếc xe “đại chúng”, nhắm vào tệp khách hàng lớn hơn nhiều lần so với Model S và Model X. Với mức giá khởi điểm được hứa hẹn là 35.000 USD, mục tiêu của Elon Musk xem chừng rất khả thi vì theo một nghiên cứu gần đây, mức giá trung bình của hơn 17 triệu chiếc xe mới được bán ra tại Mỹ trong năm 2018 cũng đúng là 35.000 USD!
Dù chiếc Tesla Model 3 giá 35.000 USD vẫn mãi chỉ tồn tại trong truyền thuyết, và giá trung bình của mỗi chiếc Model 3 bán ra là khoảng 50.000 USD nhưng chắc chắn, Model 3 là dòng xe quan trọng bậc nhất trong lịch sử hãng. Với mỗi chiếc Model S và Model X bán ra, hãng gần như bán lỗ vì đầu tư quá nhiều vào khâu R&D nhưng Model 3 lại là dòng xe “cày tiền” cho Tesla để họ hiện thực hóa những mục tiêu tham vọng hơn. Một dòng xe như vậy thì có gì đặc biệt? Nó đặc biệt ngay từ tên gọi.
Ngay từ đầu, Elon Musk đã muốn gọi mẫu xe điện này là Model E, tạo nên bộ ba S,E,X, và sau này sẽ được hoàn thiện thành S,E,X,Y khi mẫu crossover Model Y ra mắt. Quả là một trò đùa khôi hài, nhưng Alan Mulally, cựu CEO của Ford lại không thích điều đó, và đe dọa khởi kiện Tesla, cho rằng Ford đã đăng ký bản quyền tên Model E.
Thế là Musk đã gọi điện trực tiếp cho Mulally và nói:
- “Alan này, anh có thực sự chế tạo Model E không, hay anh chỉ muốn chơi khăm chúng tôi thôi? Nghe này, thời nay chẳng ai nghĩ tiền tố ‘Model’ là độc quyền của Ford nữa. Tại sao anh lại đánh cắp chữ E của Tesla, anh cư xử như một tên phát xít duyệt binh qua bảng chữ cái vậy!”.
Cựu CEO Ford phân bua:
- “Không, không đâu, chúng tôi nhất định sẽ dùng cái tên đó.”
Musk liền đáp trả ngay:
- “Tôi tưởng tên xe Ford thời nay phải là Fusion hay cái gì tương tự cơ. Mà thôi, luật thương hiệu cũng chỉ là trò cũ thôi mà”. Thế là mẫu xe được đặt tên là Model 3, nhìn chung thì ý tưởng của Musk vẫn được thực hiện: S 3 X Y.
Đặc biệt trong từng chi tiết cơ khí
Tôi sẽ không nói nhiều về các chi tiết ngoại thất: xe vẫn sở hữu những đường nét thuôn mượt đậm chất Tesla. Chiếc Model 3 được thiết kế để có tính khí động học tốt nhất có thể với phần đầu xe gần như không có chi tiết thừa nào. Bạn sẽ thấy Model 3 không có lưới tản nhiệt “fake” giống như Model S đời đầu.
Theo Tesla, Model S vẫn có một khoảng trống trước đầu xe hình ovan là để khách hàng dễ làm quen với thể loại xe mới lạ này hơn, trong khi với Model 3, khí động học là ưu tiên hàng đầu. Hãng xe Mỹ công bố rằng Model 3 có độ cản không khí chỉ 0,23 Cd, tốt hơn so với 0,24 Cd của Model S và Model 3 thuộc hàng những xe thương mại có độ cản không khí thấp nhất thế giới. Bộ la-zăng 18 inch với các tấm chắn đặc biệt cũng góp phần tạo nên hiệu năng khí động học ấn tượng của Model 3. Các tấm chắn này có thể tháo ra nếu chủ xe muốn.
Những chi tiết còn lại ở ngoại thất cũng không quá xa lạ so với các mẫu Tesla trước đó nên tôi muốn đi ngay vào phần nội thất, nơi Model 3 tiếp tục thể hiện sự khác lạ của nó. Tràn ngập quanh khoang cabin là … 13 nút vật lý để bạn xoay, bấm, miết, mọi thao tác với xe đều được thực hiện qua một màn hình cảm ứng đặt ngang có kích thước lên tới 15,4 inch! Đúng vậy, ngay cả những thao tác gần như đã trở thành phản xạ tự nhiên như chỉnh gương chiếu hậu, chỉnh góc vô lăng nay đều phải thực hiện bằng 2 con lăn đặt trên vô lăng. Đối với tôi, những thứ này là quá mới mẻ, cần nhiều thời gian để làm quen và gây xao nhãng quá nhiều khi lái xe trên đường.
Bạn cũng không có bảng đồng hồ truyền thống hay hệ thống hiển thị trên kính lái (HUD). Thiếu sót này là khá khó hiểu vì Tesla luôn là hãng xe tạo ra các cỗ máy rất hiện đại và đi trước đối thủ. Như vậy, mọi thông tin hoạt động của xe đều hiển thị trên màn hình trung tâm. Bạn có thể làm mọi thứ với màn hình này, từ định vị bản đồ cho đến việc quan sát xung quanh xe. Xe sở hữu 8 cụm camera, radar trước/sau/bên hông và 12 cảm biến siêu âm để phục vụ camera 360 độ, hệ thống lái bán tự động (nếu xe được trang bị), hỗ trợ đỗ xe tự động đồng thời giúp chiếc xe tránh va chạm và tự động kích hoạt hệ thống phanh khẩn cấp.
Khả năng nâng cấp qua mạng internet cũng là một nét độc đáo của xe Tesla. Trong tương lai gần, Tesla sẽ bổ sung thêm phần mềm Netflix và Youtube cho Model 3. Chưa hết, người dùng có thể bỏ thêm tiền để sở hữu tính năng lái bán tự động AutoPilot với mức giá không hề rẻ: 8000 USD. Tesla còn hứa hẹn “khả năng lái tự động hoàn toàn” sẽ được đưa tới tay chủ nhân Model 3 bằng mức giá cũng rất “hữu nghị”: 2.500 USD. Nếu như bạn đã quen với việc nâng cấp phần mềm cho điện thoại của mình thì trải nghiệm với Tesla Model 3 cũng tương tự như vậy.
Tuy nhiên, Model 3 không chỉ có những thứ thú vị ẩn sau màn hình 15,4 inch kia mà các chi tiết cơ khí cũng rất đáng nhắc tới. Đầu tiên là khung gầm của xe. Khác với bộ khung toàn nhôm đắt đỏ của Model S và X, Model 3 sử dụng khung kết hợp giữa nhôm và thép cường lực để giảm chi phí sản xuất. Với toàn bộ pin được dàn đều dưới sàn xe, Tesla Model 3 có trọng tâm cực thấp, thậm chí còn thấp hơn các mẫu xe thuần thể thao dùng động cơ xăng. Nhìn hình này, bạn sẽ thấy nóc xe được cấu thành bởi vài thanh thép tương đối mỏng manh. Tuy nhiên, trong bài thử nghiệm của NHTSA, phần nóc Tesla Model 3 có thể chịu được lực tác động gấp 4 lần trọng lượng xe, tức là tương đương với 2 chú voi châu Phi trưởng thành! Trên thực tế, Model 3 là một trong những mẫu xe an toàn nhất mà cơ quan này từng đánh giá với điểm 5/5 tuyệt đối trong mọi bài thử.
Đến cả bộ lốp tiêu chuẩn của Tesla Model 3 cũng ẩn chứa nhiều điều thú vị. Theo các kỹ sư Tesla, 4 chiếc lốp thực sự là những người hùng thầm lặng mà bạn ít khi để ý tới nhưng lại ảnh hưởng vô cùng lớn đến trải nghiệm với Model 3. Quá trình phát triển 1 loại lốp dành riêng cho Model 3 bắt đầu từ năm 2015 khi hãng xe Mỹ hợp tác với những hãng sản xuất lốp danh tiếng như Bridgestone hay Michelin để chế tạo một loại lốp chuyên dụng cho xe điện.
Theo Tesla, vấn đề mà chỉ lốp dành cho xe điện gặp phải là chúng phải chịu trọng lượng lớn hơn xe chạy xăng cùng phân khúc và phải chịu gia tốc cực lớn ở vị trí đứng yên vì động cơ điện có khả năng cung cấp 100% lực mô-men xoắn ngay tức thì. Thêm vào đó, phần lớn trọng lượng chiếc xe điện đều tập trung ở phần sàn xe, nơi đặt bộ pin, nên khi xe vào cua, ta có ít lực theo phương thẳng đứng tác động vào 2 lốp ngoài cua để sản sinh lực bám cho lốp, dẫn đến hiện tượng thiếu lái (understeer).
Để giải quyết các vấn đề này, Tesla và đối tác đã tập trung nghiên cứu để chế tạo hợp chất cao su mới dành riêng cho xe điện Tesla. Độ cứng của thành lốp cũng là một bộ phận đòi hỏi nhiều nguồn lực R&D để cân bằng giữa hiệu năng hoạt động, độ bền và sự êm ái mang lại cho hành khách trong xe.
Một điều rất đặc biệt nữa mà Model 3 sở hữu là vô lăng trợ lực điện có tỷ số truyền cực nhanh, chỉ 10:1. Để tiện so sánh thì tỷ số truyền vô lăng siêu xe Lamborghini Huracan sẽ biến thiên từ 9:1 đến 17:1 tùy theo tốc độ di chuyển, của Ferrari F12 Berlinetta là 11,5:1. Tỷ số truyền đặc biệt của Tesla Model 3 khiến chiếc xe vô cùng linh hoạt ở mọi tốc độ, và hệ thống trợ lực điện lấy năng lượng trực tiếp từ bộ pin của xe. Tesla cũng bố trí một hệ thống trợ lực vô lăng “back-up” hoặc động nhờ 1 mô-đun pin riêng biệt nên bạn không cần lo lắng về việc xe bị mất trợ lực vô lăng nếu như hệ thống pin chính gặp vấn đề hay … hết điện.
Hệ thống phanh của Tesla Model 3 cũng đáng được nhắc tới. Theo đúng tác phong phô trương của Elon Musk, anh đã từng tuyên bố rằng Tesla Model 3 có thể hoạt động đến hết đời xe mà không cần thay má và đĩa phanh. Các kỹ sư của Tesla, cũng như thường lệ, đưa ra một thông số cụ thể và thuyết phục hơn. Theo họ, hệ thống phanh của Model 3 được thiết kế để hoạt động trên quãng đường khoảng 240.000 km mà không cần bảo dưỡng. Nghe có vẻ khó tin nhưng đó là sự thực vì với xe điện, khi bạn nhả chân ga ra thì hệ thống phục hồi động năng phanh sẽ hoạt động, biến động năng của đĩa phanh – thứ bị bỏ phí với xe chạy động cơ đốt trong, thành năng lượng điện và truyền ngược lại pin xe. Vì lẽ đó, hệ thống phanh cơ học rất ít khi phải hoạt động, chỉ trừ những tính huống phanh gấp. Xét một khía cạnh nào đó thì tuyên bố của Elon Musk vẫn đúng.
Có lẽ điều đặc biệt nhất về mặt cơ khí trên xe Tesla Model 3 là hệ thống treo của nó. Cũng đúng với phong cách Elon Musk, anh tuyên bố rằng hãng xe của mình đã sử dụng kết quả nghiên cứu của NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) để tinh chỉnh hệ thống treo Model 3. Theo đó, các nhà khoa học của NASA đã nghiên cứu xem cơ thể con người có thể cảm thấy thoải mái trong bao lâu khi chịu tác động của một tần số dao động liên tục. Theo Tesla, hệ thống treo của ô tô nói chung được thiết kế để dao động với tần số từ 1 cho đến 3 Hz. Căn cứ theo nghiên cứu của NASA, các kỹ sư Tesla đã thiết kế hệ thống treo của Model 3 để mô phỏng dao động chiều dọc tự nhiên khi chúng ta rảo bước. Họ tin rằng đó là tần số dao động tốt nhất để khiến hành khách cảm thấy thoải mái trên mọi chuyến đi nhưng không đưa ra con số cụ thể. Họ sợ bị hãng xe khác sao chép chăng?
Tesla Model 3 không chỉ gây ấn tượng với cánh nhà báo và người dùng phổ thông mà còn khiến các chuyên gia đầu ngành phải trầm trồ. Ông Sandy Munro, chuyên gia hàng đầu về mảng tư vấn sản xuất xe hơi đã từng tuyên bố rằng “với Model 3, Tesla đi trước toàn bộ ngành công nghiệp xe hơi ít nhất là 10 năm”. Ông cũng là người chỉ ra rằng những chiếc Model 3 đầu tiên có chất lượng gia công thân vỏ “chỉ bằng xe KIA những năm 90” nên rõ rằng chẳng có sự thiên vị nào ở đây cả.
Cửa gió trải dài toàn bộ chiều ngang khoang cabin
“Độ tinh vi của mô tơ điện và các bảng mạch của Model 3 là tương đương với những điện thoại thông minh hay máy tính gaming cao cấp nhất, thậm chí tương đương với các thiết bị điện tử của quân đội. Nói một cách đơn giản thì hệ thống điện của Model 3 tinh vi như máy bay tàng hình Lockheed Martin F35 Lighting II”, Sandy Munro chia sẻ. “Tôi cũng nghĩ pin cho xe hơi của Samsung hay LG là số một thế giới cho đến khi tôi lục tung bộ pin của Model 3. Sự khác biệt về cường độ dòng điện giữa hàng chục nghìn viên pin chỉ là 0,2 mili-ampe! Không một ai có thể làm được điều mà Tesla đang làm. Không.Một.Ai!”
Trải nghiệm khác biệt
Cầm lái Model 3 là một trải nghiệm đặc biệt đối với tôi. Xe chỉ có sức mạnh khoảng 283 mã lực, khả năng tăng tốc lên 100 km/h trong hơn 5 giây – những con số không mấy ấn tượng so với những mẫu xe hiệu suất cao tôi từng cầm lái. Thế nhưng, trải nghiệm với Tesla Model 3 lại đặc biệt hơn tất cả vì đây là lần đầu tiên tôi trải nghiệm 1 chiếc xe hơi chạy điện hoàn toàn. Phải vất vài phút để chỉnh vô lăng, gương và ghế, cũng như nghịch chán chê mọi tính năng có trong chiếc màn hình khổng lồ giữa bảng táp lô. Gạt cần số bên phải vô lăng và … chẳng có gì xảy ra cả. Hóa ra là chiếc xe có tùy chọn khi vào số D và nhả chân phanh, bạn có muốn chiếc xe có từ từ lăn bánh hay không.
Vài trăm mét đầu sau vô lăng Model 3 là một trong những trải nghiệm lái xe tĩnh lặng nhất mà tôi từng có. Chiếc xe êm ái lướt về phía trước mà chẳng có chút gào rú hay rung động nào. Tôi chợt nghĩ nếu tất cả xe cộ tại Hà Nội đều chạy điện thì không biết đường phố sẽ yên tĩnh đến nhường nào! Một điều lạ lẫm nữa là tôi chả cần dùng đến chân phanh vì chỉ khẽ nhả chân ga là xe đã tự phanh bằng động cơ – lực phanh này có thể chỉnh được. Đây là trải nghiệm lái xe bằng 1 bàn đạp đặc trưng của xe điện.
Ngồi ở vị trí lái, góc nhìn vô cùng thoáng đãng vì khung kính rộng rãi ở trước mặt và 2 bên, và nóc xe gần như toàn bộ bằng kính cũng mang đến góc nhìn lạ lẫm. Tất cả lớp kính này đều được phủ lớp chống tia cực tím và hồng ngoại từ nhà máy nên bạn không cần phải dán kính nữa. Số pin con lại và số kilô-mét đi được hiển thị bằng hình viên pin màu xanh nhìn rất quen thuộc với fan Apple, và màn hình trung tâm cũng nhạy bén như 1 chiếc iPad vậy.
Mọi tính năng đều có thể tùy chỉnh
Thử đạp thốc ga 1 chút, chiếc Model 3 phản ứng ngay lập tức! Không hề có 1 sự chậm trễ, không hề có tiếng động cơ gào rú, không hề có tiếng chuyển số. Đạp là đi, nhả là phanh, đơn giản như chơi game vậy. Một điều thực sự bất ngờ đối với tôi là cảm giác vô lăng Model 3 rất tốt, vô lăng nhạy bén, phản ứng nhanh và cung cấp phản hồi mặt đường khá chân thật. Về cảm giác vô lăng, tôi đánh giá cao Model 3 hơn BMW Series 3 đời F30. Khi vào cua gấp, chiếc xe cũng vô cùng vững chãi, không hề cảm thấy chút chòng chành hay ngả nghiêng nào. Đó là nhờ hệ thống treo tốt và khung gầm cứng cáp.
Tuy nhiên, việc thiếu đi tiếng động cơ, tiếng pô cũng khiến tôi cảm thấy chiếc xe thiếu đi thứ gì đó khó diễn tả bằng lời. Nhiều người sẽ gọi đó là “linh hồn” của chiếc xe, còn tôi sẽ gọi đó là “ý nghĩa của việc lái xe”. Tesla đã vô cùng thành công khi tạo ra chiếc Model 3 với hàng loạt điểm cộng về chất lượng cơ khí và hiệu quả hoạt động, nhưng việc thiếu đi cảm xúc cầm lái là thứ luôn quanh quẩn trong đầu tôi trong suốt quá trình trải nghiệm. Đúng, 1 chiếc BMW hay Mercedes không có hệ dẫn động ưu việt của một chiếc xe điện như Tesla Model 3 nhưng với những người đam mê việc lái xe, một chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong vẫn mang lại nhiều niềm vui sau vô lăng hơn.
Điểm: 9.5/10
Ưu điểm:
Thiết kế độc đáo
Hệ dẫn động ưu việt
Trải nghiệm khác biệt
Nhược điểm:
Nội thất quá đơn giản
Thiếu cơ sở hạ tầng phục vụ xe điện
Khó khăn khi bảo hành, bảo dưỡng xe tại Việt Nam
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)