Chỉ 2 ngày sau khi bức ảnh một nữ sinh viên ngồi tạo dáng trong buồng lái lan truyền trên mạng, phi công của hãng Air Guilin, Trung Quốc đã chịu án kỷ luật bị cấm bay trọn đời. Sự việc lập tức khiến dư luận “dậy sóng” vì đưa người không có chuyên môn vào khu vực buồng lái có thể uy hiếp an toàn bay, gây rủi ro lớn cho hành khách trên chuyến bay. Và trong lịch sử hàng không thế giới, cũng có chuyến bay đã gặp phải tai nạn thảm khốc vì điều này.
Sự việc xảy ra trên một chuyến bay của Air Guilin cách đây 10 tháng, vào ngày 4-1-2019 nhưng bức ảnh chụp cô gái trong buồng lái mới lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc từ ngày 2-11. Cô gái được xác định là Chen Yuying, sinh viên năm 3 trường Đại học Du lịch Quế Lâm và có ý định trở thành tiếp viên hàng không sau khi tốt nghiệp. Trong bức ảnh, cô gái chú thích: “Em vô cùng cảm ơn anh phi công! Em rất vui!”
Dư luận lập tức “dậy sóng” vì việc này có thể gây mất an toàn bay. Trong thông cáo hôm 4-11, hãng hàng không này xác nhận sự việc xảy ra hôm 4-1 trên chuyến bay GT1011, từ thành phố Quế Lâm, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, đến thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô
“Air Guilin quyết định cấm bay trọn đời đối với phi công này. Các thành viên khác trong tổ bay bị đình chỉ bay để chờ điều tra thêm”, thông cáo của Air Guilin cho hay
Năm ngoái, cũng tại Trung Quốc, một phi công của hãng Donghai Airlines đã bị cấm bay 6 tháng và đình chỉ tư cách hướng dẫn bay vì đưa vợ vào buồng lái trên chuyến bay hôm 28-7-2018.
Mấy ngày nay, dư luận Nga cũng đang xôn xao về một đoạn video có cảnh nữ hành khách đang ngồi ở vị trí phi công phụ điều khiển máy bay Antonov-24 thuộc hãng hàng không Nga InAero
Cảnh được quay vào ngày 31-8 nhưng vừa được đăng tải gần đây. Cô gái trẻ có tên Anna, khoảng 20 tuổi đã chia sẻ đoạn video trên mạng xã hội cùng dòng nhắn gửi: “Tuyệt vời không thể tin nổi. Cảm ơn anh”
Qua số liệu thì máy bay lúc đó trên hành trình từ Yakutsk tới Batagai. Loại máy bay khai thác từ năm 1962 này có thể chở khoảng 50 hành khách
Cơ quan chức năng đang mở cuộc điều tra để tìm cơ trưởng chuyến bay hôm đó. Hiện hãng hàng không IrAero cũng đang kiểm tra tính xác thực của đoạn video và tìm người liên quan, nếu có.
Hiện tượng này cũng không phải hy hữu. Một phụ nữ tên Jonti Roos, người Nam Phi từng “khoe” rằng năm 2011, cô và một người bạn đã vào trong buồng lái với phi công Fariq Abdul Hamid trên chuyến bay từ Phuket, Thái Lan đến Kuala Lumpur, Malaysia. Phi công đó chính là cơ phó của chuyến bay MH370 mất tích vào năm 2014
Đưa “người lạ” vào buồng lái có thể uy hiếp an toàn bay. Thế giới từng chứng kiến một tai nạn thảm khốc vì sự “dễ dãi” dẫn đến mất kiểm soát của phi công khi đưa người không có chuyên môn vào buồng lái.
Ngày 23-3-1994, một phi công của hãng hàng không Nga Aeroflot đưa con gái 12 tuổi và con trai 16 tuổi vào buồng lái khi đang làm nhiệm vụ, khiến chuyến bay 593 lao xuống một dãy núi ở Nga. Toàn bộ 75 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên khoang đều thiệt mạng.
Qua điều tra, không thấy bằng chứng nào cho thấy máy bay gặp sự cố về kỹ thuật. Bởi vậy, các nhà phân tích tin rằng 2 đứa trẻ đã vô tình cản trở chuyến bay.
Các hãng hàng không trên khắp thế giới đã tăng cường các biện pháp an ninh liên quan đến lối vào buồng lái sau vụ tấn công khủng bố 11-9-2001. Như ở Mỹ, khóa tự động trên cửa buồng lái đã được cài đặt để ngăn chặn kẻ xâm nhập truy cập vào hệ thống kiểm soát chuyến bay.
Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cũng ban hành cũng cấm phi công sử dụng điện thoại thông minh cho mục đích cá nhân - bao gồm chụp ảnh - khi máy bay ở trên không, trừ khi họ được phép trước.
Hải Yến (ANTĐ)