Đóng
 

Thứ năm, 25/04/2024 | 13:05
16:51  |  15/08/2019

Đường sắt đô thị "đội vốn" hàng chục nghìn tỷ đồng vì… tính chưa hết

Trả lời chất vấn về 5 dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội, TP. HCM chậm tiến độ, đội vốn "khủng" tới 80.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, có nguyên nhân do ngay từ đầu chúng ta chưa tính được hết các chi phí…

Sáng nay, 15-8, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH Phan Thái Bình nêu vấn đề, trong điều kiện nguồn vốn trong nước khó khăn nhưng việc sử dụng vốn vay ODA làm 5 dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TP. HCM đều có vấn đề, chậm tiến độ, đội vốn tới 80.000 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi liên quan đến trách nhiệm và giải pháp khắc phục vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, vấn đề chậm tiến độ và đội vốn trước hết là trách nhiệm của chủ đầu tư, còn lại các bộ ngành có trách nhiệm liên quan trong việc xem xét, phê duyệt và triển khai các dự án.

Cùng trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, nguyên nhân chính khiến các dự án đường sắt ở Hà Nội và TP HCM chậm tiến độ vì đây là lần đầu tiên Việt Nam làm đường sắt đô thị, năng lực của đội ngũ tư vấn và cơ quan quản lý vẫn chưa theo kịp và chưa đáp ứng được.

Theo Bộ trưởng, việc thực hiện các dự án bằng vốn ODA là để thu hút công nghệ và nguồn vốn vay ưu đãi từ nước ngoài nhưng trong quá trình thực hiện chúng ta chưa lường hết được các vấn đề.

Vì đây là các dự án rất lớn và phức tạp nên từ khi duyệt cho đến khi triển khai thực hiện đã điều chỉnh lại, thay đổi quy mô, hạng mục dự án và đã làm tăng vốn.

Bộ trưởng dẫn ví dụ: vốn đầu tư tuyến đường sắt số 1 Bến Thành – Suối Tiên tăng từ khoảng 17.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng, tuyến số 2 cũng tăng từ 26.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng. Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông của Hà Nội cũng tăng vốn tới 40.000-50.000 tỷ đồng.

“Vấn đề không hẳn là đội vốn mà do các cơ quan chưa tính hết các chi phí từ đầu. Tất nhiên, càng kéo dài thì chi phí càng phát sinh" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Về giải pháp, ông Dũng cho rằng, chuyện phải xử lý lúc này là vấn đề điều chỉnh vốn ở các dự án kéo theo nhiều hệ lụy như tìm nguồn vốn bổ sung, xác định thẩm quyền giải quyết thuộc cơ quan nào…

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn ĐBQH

Cũng liên quan đến lĩnh vực giao thông, tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) đặt câu hỏi với người đứng đầu ngành giao thông vận tải (GTVT) về quan điểm chỉ đạo triển khai xây dựng cao tốc Bắc – Nam.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, thực hiện dự án trọng điểm quốc gia này, Chính phủ dựa vào 3 nguyên tắc. Đầu tiên, đây là công trình trọng điểm quốc gia do đó tất cả trình tự, thủ tục phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng tiến độ.

Thứ hai, phải tổ chức đấu thầu công khai minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật. Thứ ba, đây là công trình có ý nghĩa rất lớn về an ninh quốc phòng, kinh tế xã hội, do đó cần phải xem xét đặc biệt về vấn đề an ninh quốc phòng.

“Vừa qua, Bộ GTVT cũng đã triển khai các thủ tục, đến thời điểm này chúng tôi đã phê duyệt dự án và đang triển khai thiết kế, thi công và dự toán” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Duy Tiến (ANTĐ)