Đóng
 

Thứ tư, 24/04/2024 | 14:15
16:26  |  21/10/2019

Hà Nội: Xóm cà phê đường tàu xin hoạt động trở lại, cam kết giữ gìn an toàn đường sắt

Lá thư "kêu cứu" từ người dân xóm cà phê đường tàu Hà Nội đã được gửi lên ban lãnh đạo Chính Phủ, Bộ GTVT và chính quyền các cấp với một mong muốn duy nhất là được nhà nước cho phép hoạt động kinh doanh trở lại khu vực này.

Theo tìm hiểu của PV, những ngày gần đây, người dân trong "xóm cà phê" Phùng Hưng, Hà Nội đã tập hợp cùng nhau gửi lên ban lãnh đạo chính quyền các cấp lá đơn "kêu cứu", nêu ra những khó khăn trong cuộc sống thường ngày của người dân trong khu vực trước và sau khi có "xóm cà phê" vừa bị gỡ bỏ vì lý do tiềm tàng nguy cơ mất an toàn giao thông về đường sắt. Đáng chú ý, trong lá đơn gửi lên các cấp lãnh đạo, người dân "xóm cà phê" còn bày tỏ quan điểm hy vọng chính quyền cho phép hoạt động kinh doanh trở lại khu vực này và người dân cam kết sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối hành lang đường sắt với nhiều biện pháp như dựng Barie, lắp biển cảnh báo, loa phát thanh...

Cuộc sống người dân trước và sau ngày có "Xóm cà phê" ra sao?

Để trả lời câu hỏi này, trước tiên hãy cùng "ngó nghiêng" đôi chút về địa lý và lịch sử của khu vực này. "Xóm cà phê" nằm trên địa bàn phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội. Nơi đây vốn thuộc khu tập thể của cán bộ ngành đường sắt. Sau hàng chục năm, trải qua những thăng trầm và biến cố của Hà Nội cũng như của tuyến đường ray xe lửa phía bắc thủ đô, khu vực "xóm cà phê" cũng trở nên cũ kỹ, phai màu theo thời gian, năm tháng. Chính vì vậy, dù nằm giữa một thành phố năng động và ngày một phát triển nhưng dường như khu vực này vẫn đang đi ngược lại xu thế đó. Những người dân sinh sống trong khu vực "xóm cà phê" thường là các hộ gia đình có hoàn cảnh chẳng mấy khá giả hay có thể xem là có điều kiện kinh tế tương đối khó khăn. Trước khi khu vực này được nhiều du khách để ý tới nhờ những tiệm cà phê bắt mắt và sôi động với cái tên thân mật là "xóm cà phê", nơi đây là nơi tụ tập của nhiều thanh niên hút chích hay các tệ nạn xã hội... 

Theo chị Hoa, chủ một quán cà phê tại đây cho hay, từ ngày có "xóm cà phê" Phùng Hưng, khu vực này theo đó cũng rất phát triển. Cuộc sống của người dân được cải thiện và văn minh lên, kinh tế tốt hơn nhờ việc bán hàng và cho thuê cửa hàng. Ngoài ra, việc có đông du khách kéo tới cũng góp phần bài trừ đi các tệ nạn xã hội, nơi mà trước đây bọn xấu thường chọn làm tụ điểm. "Chúng tôi mong muốn xây dựng khu phố đường tàu thành một điểm du lịch văn minh, hấp dẫn các du khách nước ngoài. Hiện nay, nó đã trở thành điểm đến được nhiều người ưa thích. Chúng tôi cam kết đảm bảo an toàn cho du khách. Chúng tôi hy vọng chính quyền thành phố xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ người dân phát triển cuộc sống".

Đồng quan điểm với chị Hoa, bác Thanh, một người dân sinh sống trong khu vực "xóm cà phê" chia sẻ: "Tập thể người dân khu vực xóm cà phê Phùng Hưng mong các cơ quan chức năng xem xét giải quyết để chúng tôi có thể sớm hoạt động kinh doanh trở lại. Nhờ có các tiệm cà phê và du khách tới tham quan, cuộc sống của người dân trong khu vực cũng được cải thiện theo chiều hướng tốt lên. Môi trường sống của chúng tôi được đảm bảo và cải thiện từng ngày, du khách thì có thêm địa điểm vui chơi giải trí. Vì vậy, đừng gỡ bỏ nó mà hãy tìm cách khắc phục các hạn chế để giúp người dân có một cuộc sống tốt hơn".

Được biết, trong lá đơn "kêu cứu" mà tập thể người dân khu vực "xóm cà phê" gửi lên các cơ quan chức năng còn có cả loạt giải pháp mà người dân đóng góp nhằm đảm bảo tốt tình hình an toàn hành lang đường sắt như cam kết tuân thủ hoạt động kinh doanh trong phạm vi an toàn tối thiểu cách 1,5 m tính từ đường ray vào đến nhà và chỉ hoạt động trong phạm vi nhà; lắp đặt hệ thống biển biển bảng cảnh báo song ngữ cùng hệ thống camera giám sát 24/7; đồng thời lắp đặt loa cảnh báo khi tàu đang di chuyển tới... Bên cạnh đó, các hộ gia đình sẽ kẻ thêm vạch sơn an toàn và lắp đặt hệ thống Barie dào chắn bằng inox trước mỗi cửa hàng và nhà dân để tránh cho du khách vượt qua giới hạn nguy hiểm...

Theo tìm hiểu, ban lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm đã tiếp nhận đơn thư từ phía người dân "xóm cà phê" Phùng Hưng và đang trong quá trình bàn bạc cùng các cơ quan có thẩm quyền, cũng như xin ý kiến chỉ đạo từ ban lãnh đạo Thành Phố, xem xét phương án giải quyết và trả lời kiến nghị sớm của người dân sớm nhất.

Thế khó cho cơ quan chức năng

Tuy các lợi ích từ việc "xóm cà phê" Phùng Hưng mang lại cho cuộc sống của người dân trong khu vực cũng như sự phát triển của ngành du lịch phương đã nhìn thấy rõ nhưng cũng không thể bỏ quên vấn đề đảm bảo tuyệt đối an toàn về hành lang giao thông tại đây. Trong đề xuất của người dân gửi lãnh đạo các cấp, con số 1,5 m được đưa ra làm chỉ giới an toàn mà người dân cam kết sẽ không vi phạm. Nhưng khi nhìn nhận thực tế thì đây lại chỉ là khoảng cách mà người dân tự đặt ra chứ không hề có cơ sở pháp lý về an toàn nào. Theo tìm hiểu, quy định về phạm vi bảo vệ đường sắt hiện nay được ban hành là 5,6 m tính từ mép ray, cộng thêm 3 m hành lang an toàn đường sắt (áp dụng với đô thị) thì khoảng cách không được xâm phạm hắt về mỗi bên là 8,6 m. Tuy nhiên, do quá trình xây dựng thiếu quy hoạch, khoảng cách từ nhà dân ở xóm đường tàu đến phạm vi bảo vệ đường sắt không đáp ứng con số này. Nhiều đoạn từ cửa nhà đến mép ngoài đường ray chỉ khoảng 3 m.

Trong một cuộc trao đổi với báo chí mới đây, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã bày tỏ quan điểm về việc việc du khách đi lại xung quanh hệ thống đường sắt đã và đang gây ra tình trạng mất an toàn giao thông khi có tàu chạy qua và đặc biệt gây cản trở đến việc duy tu bảo trì của hệ thống đường sắt. Ngoài ra, khi đi qua tụ điểm cà phê, tàu thường phải chạy chậm hơn 30 km/h và lái tàu phải chờ du khách nhường đường, gây chậm tàu. Nhiều đoàn tàu thay đổi giờ chạy nên có thể đi qua bất ngờ và không đảm bảo an toàn cho du khách đi lại trong khu vực. 

Nhìn nhận ở một góc độ khác, nhiều chuyên gia ngành du lịch lại cho rằng việc lưu giữ và phát triển loại hình cà phê đường tàu là việc nên làm và đây cũng chính là một nét độc đáo, sáng tạo trong ngành du lịch nước ta. Nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm nên đưa ra các biện pháp giải quyết để chung hoà những yếu tố bất lợi, biến nó thành có lợi để phát triển thay vì cứ không làm được làm lại cấm. Như vậy, vừa đảm bảo yếu tố an sinh của người dân lại vừa thúc đẩy sự phát triển của một ngành công nghiệp mũi nhọn. 

Trước đó, hồi đầu tháng 10 vừa qua, sau khi Bộ GTVT đề nghị xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt tại khu vực Xóm cà phê Phùng Hưng, UBND Hà Nội đã phong toả việc kinh doanh tại khu vực này. Rất nhiều ý kiến bàn luận đã được đưa ra và chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. 

Hoàng Vũ (Tuoitrethudo)

Ảnh: Otofun