Đóng
 

Thứ ba, 23/04/2024 | 20:24
09:27  |  27/03/2019

[HÃNG XE] Tesla - Sự trả thù của xe điện (Phần 4)

Vượt qua mọi khó khăn, chiếc Roadster vẫn bán chạy và giúp Tesla trụ vững trước sóng gió của cuộc Đại suy thoái.

[HÃNG XE] Tesla - Sự trả thù của xe điện (Phần 1)

[Hãng xe] Tesla - Sự trả thù của xe điện (Phần 2)

[HÃNG XE] Tesla - Sự trả thù của xe điện (phần 3)

Phần 4 – Thành công của Tesla Roadster

Một điều kỳ diệu đã xảy ra khi Tesla vẫn trầy trật vượt qua năm 2008 mà chưa bị bán lại cho những gã khổng lồ trong ngành công nghiệp xe hơi. Phải đến đầu năm 2009, Tesla mới thực sự tiến một bước dài trong việc giải quyết các vấn đề sản xuất chiếc Roadster. Musk đã gửi một email đến khách hàng để thông báo về việc tăng giá đột xuất. Ban đầu, chiếc xe có giá từ 92.000 USD nhưng giờ đây sẽ bắt đầu với giá 109.000 USD. Trong email, anh thông báo rằng 400 hàng khách đã đặt xe Roadster nhưng chưa nhận xe sẽ phải thanh toán theo mức giá đã thay đổi và trả thêm tiền. Anh cố gắng xoa dịu những khách hàng ban đầu của Tesla rằng công ty không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá. Chi phí sản xuất một chiếc Roadster đã đội lên cao hơn rất nhiều so với dự tính ban đầu, và Tesla cần chứng minh rằng công ty có thể thu lời từ chiếc xe để nâng cao khả năng bảo toàn khoản vay lớn từ chính phủ, vốn rất cần thiết để chế tạo chiếc Model S.

“Tôi tin chắc rằng kế hoạch này đã mang lại một sự thỏa hiệp hợp lý giữa việc đảm bảo công bằng cho các khách hàng ban đầu với việc đảm bảo sự tồn vong của Tesla, từ đó đem lại lợi ích cao nhất cho khách hàng”, Musk viết trong email. Dù vẫn có một số khách hàng phàn nàn nhưng nhìn chung, Musk đã đọc thấu tâm ý của người mua Roadster. Họ sẽ ủng hộ bất kỳ điều gì anh đề nghị.

Tiếp sau quyết định tăng giá, Tesla lại vướng vào vấn đề an toàn. Công ty thông báo rằng Lotus đã không siết một chiếc bu lông đúng cách trên những khung gầm dành cho xe Tesla Roadster và cả Lotus Elise. Về mặt tích cực, Tesla mới chỉ bàn giao 345 chiếc Roadster, tức là vấn đề vẫn trong tầm kiểm soát. Về mặt tiêu cực, đó là lời nhắc nhở về vấn đề an toàn mà một công ty khởi nghiệp cực kỳ cần đến. Năm sau, Tesla tiếp tục được nhắc nhở về vấn đề an toàn khi khách hàng thông báo rằng một dây cáp điện đã cọ xát vào thân xe chiếc Roadster của anh ta, gây đoản mạch và bốc khói. Tesla phải triệu hồi 439 chiếc Roadster để khắc phục sự cố. Tesla đã cố xoay chuyển vấn đề theo phương diện tích cực, rằng họ sẽ “đến tận nhà” để sửa xe Roadster. Kể từ đó, với kinh nghiệm đầy mình, Musk đã cố gắng biến mọi sự hỗn loạn tại Tesla thành cơ hội để công ty thể hiện sự quan tâm chăm sóc khách hàng sau bán hàng. Chiến lược đó thường là hiệu quả.

Bên cạnh những rắc rối  xoay quanh chiếc Roadster, Tesla còn phải tiếp tục hứng chịu những vấn đề từ dư luận. Tháng 6/2009, Martin Eberhard đã kiện Elon Musk và quyết đi đến cùng trong lá đơn thuật lại chi tiết việc anh bị đuổi khỏi công ty. Eberhard buộc tội Musk đã phỉ báng, vu khống và vi phạm hợp đồng. Những lời cáo buộc này đã mô tả Musk như một gã nhà giàu chuyên bắt nạt, đã đẩy một nhà phát minh đầy tâm huyết ra khỏi công ty của chính mình. Đơn kiện cũng buộc tội Musk đã đơm đặt về vai trò của mình trong việc thành lập Tesla.

Musk đáp trả bằng cách đăng một bài blog, nêu tỉ mỉ những gì anh biết về nhược điểm của Eberhard, cũng như chuyện Eberhard phật lòng vì những lời ám chỉ anh không phải thành viên sáng lập đúng nghĩa của công ty. Không lâu sau đó, cả hai đã hòa giải và đồng ý không chống lại nhau nữa. “Với tư cách là đồng sáng lập công ty, Elon Musk đã có những đóng góp phi thường cho Tesla”, hẳn Eberhard đã rất đau khổ khi phát ngôn những lời này! Cho đến tận bây giờ, hai nhân vật này vẫn tiếp tục miệt thị nhau, mặc dù chỉ dưới góc độ riêng tư và trong khuôn khổ pháp luật. Tuy vậy, Eberhard cũng chẳng oán giận Tesla quá lâu, hoặc chí ít thì anh cũng đang nhận được lợi ích từ Tesla. Cổ phiếu của anh tại công ty vẫn đang tăng giá vùn vụt, anh vẫn lái chiếc Roadster của mình còn vợ anh sở hữu một chiếc Model S.

Thuở ban đầu, Tesla thường xuyên xuất hiện méo mó trên các bản tin xấu. Có những nhân vật trong giới truyền thông và ngành xe hơi xem công ty này là một lũ bịp bợm. Họ có vẻ như rất thích thú trước những vụ cãi vã như phim truyền hình giữa Elon Musk và Eberhard hay một số cựu nhân viên bất mãn khác. Không những không được nhìn nhận là một doanh nhân thành công, Musk bị một số kẻ coi là một tay khoác lác thô lỗ và sẽ “rơi thẳng xuống địa ngục” khi Tesla sụp đổ. Chiếc Roadster cũng sẽ tiến thẳng đến nghĩa địa của xe hơi điện. Detroit sẽ chứng minh rằng nó xử lý vấn đề cách tân xe hơi điện này tốt hơn Thung lung Silicon và trật tự vốn có của thế giới sẽ không thay đổi.

Có lẽ scandal nổi tiếng nhất xoay quanh chiếc Roadster là video đánh giá của Top Gear đối với mẫu xe này. Trong video, người dẫn chương trình Jeremy Clarkson đã tiết lộ rằng chiếc xe chỉ chạy được 89 km là đã kiệt pin và đưa ra một số bình luận không mấy hay ho về Roadster nói riêng và xe chạy điện nói chung. Elon Musk đã ngay lập tức phản pháo bằng cách cho rằng người của Tesla đã tìm thấy kịch bản video đánh giá, trong đó xác định rõ ràng rằng chiếc xe phải hỏng hóc để tạo cao trào cho video. Hơn nữa, máy tính trong xe cho thấy chiếc xe không hề rơi vào trạng thái dưới 20% pin trong suốt quá trình Top Gear làm video. Đôi bên đã tranh luận rất gay gắt và còn đưa nhau ra tòa tại Anh, nơi Tesla đã thua kiện và phải bồi thường 100.000 USD án phí.

Điều đáng ngạc nhiên là sau hàng loạt thông tin bất lợi, Roadster vẫn là một canh bạc thành công của Tesla. Chiếc xe điện thương mại đầu tiên sử dụng pin lithium-ion, chiếc xe điện thương mại đầu tiên đi được hơn 320 km trong một lần sạc đã là phao cứu sinh cho Tesla. Hãng xe Mỹ đã bán được khoảng 2.450 chiếc Roadster, đủ để chứng minh rằng Tesla hoàn toàn có khả năng sản xuất xe hàng loạt.

Tại sự kiện đua quãng đường đi được dành cho xe điện Global Green Challenge tại Australia, 2 tay đua Simon Hackett và Emilis Prelgauskas đã lái 1 chiếc Tesla Roadster hoàn thành quãng đường kỷ lục 501 km với tốc độ trung bình 40 km/h và khi cán đích, nó vẫn còn có thể đi khoảng 5 km nữa. Tháng 3/2010, Tesla Roadster trở thành chiếc xe điện đầu tiên giành ngôi quán quân tại giải đua xe sử dụng nhiên liệu xanh Monte Carlo Alternative Energy Rally do FIA tổ chức. Chiếc Roadster được điều khiển bởi cựu tay đua F1 Erik Comas và đã chinh phục 96 đối thủ khác, hoàn thành cuộc đua có chặng đường gần 1000 km kéo dài 3 ngày.

Điều đáng nói là chỉ với một động cơ điện 3 pha sản sinh tối đa 288 mã lực và 400 Nm, Roadster vẫn có hiệu năng vượt trội so với xe chạy xăng. Tesla Roadster chỉ cần 3,9 giây để chạm mốc 100 km/h với bản tiêu chuẩn, còn bản V2.5 Sport chỉ cần 3,7 giây, nhanh hơn bất cứ chiếc xe chạy xăng nào cùng giá tiền. Hệ thống pin lithium-ion của nó cũng là một kỳ quan công nghệ. Nó bao gồm 6.831 viên pin lithium-ion được sắp xếp thành 11 tấm, mỗi tấm bao gồm 9 “viên gạch” chứa khoảng 70 viên pin. Cả bộ pin nặng 450 kg được xếp vào giữa sàn xe. Dù vậy, cả chiếc xe chỉ nặng khoảng 1.300 kg vì khung xe bằng nhôm và toàn bộ thân vỏ bằng sợi các-bon. Tesla Roadster chỉ cần 3,5 giờ để sạc đầy pin với đầu sạc hiệu suất cao.

Chiếc xe đã làm được điều mà Musk dự tính ban đầu. Nó đã chứng minh rằng cảm giác lái xe điện thể thao là hoàn toàn khác biệt và thú vị. Đây là chiếc xe điện đầu tiên mà bạn thực sự khao khát sở hữu nó. Với Roadster, Tesla đã làm cho xe chạy điện in vào tiềm thức của công chúng trong những hoàn cảnh bất khả thi, giữa lúc ngành công nghiệp xe hơi Mỹ và thị trường tài chính toàn cầu sụp đổ.

Đến lúc này, việc Musk có phải là thành viên sáng lập Tesla hay không đã không còn là điều đáng nói. Nếu như không có tiền bạc, kiến thức marketing, tài tranh biện, chuyên môn kỹ thuật và tinh thần bất khuất của Elon Musk, sẽ chẳng có Tesla ngày hôm nay. Tesla tồn tại là nhờ Musk và phản ánh tính các của anh, giống như Intel hay Microsoft phản ánh tính cách của những nhà sáng lập nên chúng.

(còn tiếp)

Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)

Tags: tesla   roadster   Model S   Model X   lịch sử   hãng xe