Đóng
 

Thứ sáu, 19/04/2024 | 07:56
08:52  |  28/03/2019

[HÃNG XE] Tesla - Sự trả thù của xe điện (Phần 5)

Nếu như Roadster được sinh ra để khẳng định rằng xe điện có thể cho trải nghiệm thú vị tương tự xe thể thao chạy xăng thì Model S là mẫu xe cho thấy sự vượt trội của electron so với 1 khối động cơ đầy dầu mỡ.

[HÃNG XE] Tesla - Sự trả thù của xe điện (Phần 1)

[Hãng xe] Tesla - Sự trả thù của xe điện (Phần 2)

[HÃNG XE] Tesla - Sự trả thù của xe điện (phần 3)

[HÃNG XE] Tesla - Sự trả thù của xe điện (Phần 4)

Phần 5 – Tesla Model S – Chương sử mới

Khác với chiếc xe tiên phong Roadster, chiếc xe tiếp theo của Tesla – bí danh White Star, không phải là một phiên bản mô phỏng theo mẫu xe của công ty khác. White Star được chế tạo từ đầu đến cuối để tận dụng hết lợi thế mà công nghệ xe chạy điện mang lại. Ví dụ, bộ pin của chiếc Roadster phải đặt gần bánh sau hơn dự kiến do khung gầm của chiếc Lotus Elise có cấu tạo phục vụ động cơ xăng đặt giữa. Với  bộ pin 450 kg của Roadster thì điều đó vẫn ổn, nhưng chưa phải tối ưu nhất. Với White Star, tên gọi thương mại Model S, các kỹ sư Tesla có thể sử dụng toàn bộ diện tích sàn xe làm nơi chứa khối pin nặng tới 590 kg.

Cách sắp xếp này khiến cho chiếc xe có trọng tâm thấp hơn và mang lại cảm giác lái tốt hơn nhờ trọng lượng phân bổ trước/sau tối ưu hơn. Sàn xe kiêm bộ pin cũng giúp chiếc xe chịu được lực vặn xoắn phương ngang tốt hơn. Bạn luôn muốn sắp xếp những bộ phận nặng nề càng gần trọng tâm xe càng tốt, đó cũng là lý do xe đua thường được đặt gần giữa thân xe. Xét theo tiêu chí này thì xe hơi truyền thống quả là một mớ hỗn độn: động cơ cồng kềnh đặt phía trước, thùng xăng óc ách đặt trên bánh sau. Với những chiếc xe phá bỏ mọi giới hạn truyền thống như Model S, các kỹ sư Tesla có quyền đặt-lại-cuộc-chơi.

Tuy nhiên, những cải tiến kỹ thuật phải song hành cùng một thiết kế cuốn hút. Chiếc Roadster – dù cho bạn nhìn nhận với tâm trí rộng mở như thế nào – cũng trông hao hao chiếc Lotus Elise. Không hẳn là Elise là một chiếc xe xấu, thậm chí nó còn được dân chơi xếp vào top những chiếc xe thể thao cuốn hút nhất mọi thời đại, nhưng việc Roadster trông giống Elise là không tốt cho hình ảnh thương hiệu Tesla. Để tạo ra một chiếc xe đẹp đẽ và hoàn toàn không giống những gì trước đây, Tesla đã tuyển mộ Henrik Fisker, nhà thiết kế xe người Đan Mạch lừng danh với các tác phẩm của mình tại Aston Martin.

Năm 2007, Tesla lần đầu tiên tiết lộ với Fisker kế hoạch về Model S. Công ty yêu cầu ông thiết kế một chiếc sedan hấp dẫn với giá bán chừng 50.000 đến 70.000 USD. Elon Musk muốn giao xe vào cuối năm 2009 hoặc đầu 2010, mặc dù tại thời điểm đó, Tesla vẫn đang vật lộn với vấn đề sản xuất Roadster. Fisker có một xưởng thiết kế tại hạt Orange, California và Musk cùng giám đốc Tesla khác có thể gặp nhau tại đó để xem xét quá trình Fisker thiết kế Model S.

Tuy nhiên, mỗi lần gặp sau lại càng ít hứng khởi hơn lần gặp trước. Fisker cứ đánh đố mọi người bằng những thiết kế nặng nề của ông. “Một số kiểu dáng ban đầu trông như những quả trứng khổng lồ”, Ron Lloyd, cựu Phó chủ tịch dự án White Star cho biết, “trông chúng tệ khủng khiếp!”. Khi Musk lên tiếng, Fisker luôn đổ lỗi rằng Tesla đặt ra quá nhiều ràng buộc khắt khe cho chiếc Model S. “Ông ấy bảo rằng chúng tôi không để ông tạo ra một chiếc xe gợi cảm”, Lloyd tiết lộ. “Henrik gửi một vài mẫu mô hình bằng bọt xốp để Musk và nhóm thiết kế tại Tesla đánh  giá, nhưng chẳng mẫu nào hợp mắt cả. Nhiều người bắt đầu hoài nghi về khả năng của Fisker, hoặc sự tập chung của ông với dự án thiết kế Model S”.

Không lâu sau những cuộc gặp trên, Henrik đã thành lập công ty xe hơi riêng – Fisker Automotive – và giới thiệu mẫu xe hybrid Fisker Karma vào năm 2008. Chiếc sedan bắt mắt này trông giống một cỗ xe mà Batman cưỡi đi dạo vào ngày Chủ nhật. Với những đường nét sắc sảo, thuôn mượt và đầy gợi cảm, chiếc xe trông thật tráng lệ và thực sự độc đáo. “Rõ ràng là Fisker cố tình cạnh tranh với chúng tôi”, Lloyd nói. Khi Musk xem kỹ lại cơ sự này, anh phát hiện ra Fisker đã “chôm” ý tưởng về một công ty xe hơi điện và chào mới nó với các nhà đầu tư quanh Thung lũng Silicon được một thời gian rồi. Kleiner Perkins Caufield & Byers, một hãng đầu tư mạo hiểm nổi tiếng tại Thung lũng Silicon, từng có cơ hội đầu tư vào Tesla, nhưng rồi cuối cùng lại đổ tiền cho Fisker.

Điều đó là quá sức chịu đựng đối với Elon Musk. Anh khởi kiện Fisker vào năm 2008, cáo buộc Henrik đã đánh cắp ý tưởng của Tesla và sử dụng 875.000 USD Tesla trả để thiết kế Model S vào mục đích tạo lập một hãng xe riêng cạnh tranh với Tesla. Anh cũng cho rằng Fisker cố tình thiết kế Model S không thực sự đẹp đẽ như nó có thể để Fisker Karma sẽ vùi dập nó không thương tiếc. Tất nhiên, tòa án không đồng ý với những cáo buộc trên và Tesla không đưa ra được căn cứ đáng tin cậy.

Tesla đã nghĩ đến việc chế tạo một chiếc xe hybrid như Fisker, trong đó động cơ xăng được dùng để sạc lại pin cho xe sau khi chúng tiêu thụ hết lượng điện trữ trong pin. Chiếc xe có thể di chuyển từ 80 đến 130 kg sau khi được sạc điện, rồi sử dụng các trạm săn sẵn có để sạc pin trên đường khi cần thiết, loại bỏ nỗi lo về phạm vi hoạt động. Các kỹ sư Tesla đã dựng các mô hình mô phỏng một chiếc xe như thế, và họ không thể chấp nhận một chiếc xe tốn kém và có hiệu suất tồi như vậy.

“Nó sẽ có chi phí sản xuất quá cao và hiệu năng cũng không thể sánh được với xe chạy điện hoàn toàn”, J.B Straubel chia sẻ. “Và nếu sản xuất xe hybrid, chúng tôi phải cạnh tranh với năng lực cốt lõi của tất cả ông lớn trong ngành, phải chống lại sự tin tưởng của chính bản thân đối với công nghệ xe điện và các cuộc cải tiến hiệu suất pin. Không, chúng tôi đã quyết định dồn toàn lực vào công nghệ xe điện hoàn toàn và không ngoài nhìn về phía sau”. Sau khi đưa ra quyết định này, Straubel và những người khác trong Tesla đã hóa giải cơn giận của họ với Fisker. Họ hiểu rằng ông chỉ cho ra đời một chiếc xe chắp vá và sẽ sớm đón nhận hậu quả thích đáng.

Các kỹ sư Tesla bắt đầu tìm cách chế tạo Model S. Bước đầu tiên của họ là ghé thăm một đại lý phân phối Mercedes để lái thử 1 chiếc CLS Coupe 4 cửa và sedan E-Class. Họ đã đánh giá 2 chiếc xe từng chút một, xem họ thích và không thích những điểm nào. Rốt cuộc, họ chuộng kiểu dáng của CLS hơn và lấy đó làm mốc chuẩn để thiết kế Model S.

Các kỹ sư Tesla đã mua một chiếc CLS rồi ngay lập tức rã nó ra thành từng mảnh. Đội phụ trách pin đã tạo hình lại bộ pin hình hộp chữ nhật của Roadster rồi làm nó dẹt ra, cắt rời sàn xe chiếc CLS và ráp bộ pin vào khoảng trống đó. Tiếp theo, họ lắp ráp các linh kiện điện tử và bộ điều khiển vào cốp xe. Cuối cùng là sửa lại nội thất và hoàn thiện chiếc xe. Chỉ sau 3 tháng, Tesla đã chế tạo được 1 chiếc CLS chạy điện hoàn toàn. Họ dùng chiếc xe này để tranh thủ sự ủng hộ của Daimler, tập đoàn cuối cùng cũng quay lại với Tesla để mua những bộ pin và mô tơ điện nhằm lắp ráp cho các mẫu xe điện của họ.

Các kỹ sư của Tesla cũng thường xuyên lái chiếc CLS điện ra đường công cộng. Nặng hơn Roadster nhưng nó vẫn tăng tốc khá nhanh và đi đường quãng đường gần 200 kg sau mỗi lần sạc. Để thực hiện việc này tương đối kín đáo, họ đã hàn các đầu ống xả vào đuôi xe để nó trông giống như mọi chiếc CLS chạy xăng khác.

Đúng thời điểm này, mùa hè năm 2008, một kẻ mê xe đậm chất nghệ sĩ tên Franz von Holzhausen đã gia nhập Tesla. Công việc của anh là thổi sức sống mới cho các thiết kế ban đầu của Model S và nếu có thể, cố gắng biến Model S thành một sản phẩm mang tính biểu tượng.

Holzhausen sinh ra trong một gia đình bình thường ở Connecticut, cha anh làm công việc thiết kế và tiếp thị sản phẩm tiêu dùng, còn Franz thì biến tầng hầm đầy bút lông, giấy vẽ và nhiều thứ linh tinh khác thành sân chơi cho trí tưởng tượng. Khi lớn hơn, anh chuyển sang mê xe hơi. Anh vẽ đầy hình xe vào sách vở hay bất cứ nơi nào trong phòng, anh cũng treo đầy ảnh xe trong phòng ngủ. Khi đang theo học tại Đại học Syracuse, anh đã có dịp gặp những nhà thiết kế khác trong một kỳ thực tập. Họ liên tục nói về trường Art Center College of Design tại Los Angeles. Anh lập tức “phải lòng” cái nôi của nhiều nhà thiết kế lỗi lạc này và chuyển đến California sau 2 năm học hành tại Syracuse.

Việc chuyển đến Los Angeles đã mở ra một sự nghiệp thiết kế lâu dài với nhiều cung bậc khác nhau trong ngành công nghiệp xe hơi của Franz. Anh đã thực tập tại hãng Ford ở Michigan và Volkswagen ở châu Âu, nơi anh lĩnh hội được những cảm hứng thiết kế mới mẻ. Khi tốt nghiệp năm 1992, anh bắt đầu làm việc cho Volkswagen trong dự án ngoài sức tưởng tượng của mình: thiết kế phiên bản mới toanh của dòng xe huyền thoại Volkswagen Beetle. Von Holzhausen phụ trách thiết kế phần đầu xe và nội thất, bao gồm cả bình hoa đặc trưng của dòng Beetle. Năm 1997, Volkswagen trình làng “New beetle”, và Von Holzhausen tận mắt chứng kiến chiếc xe hớp hồn công chúng và thay đổi cảm nhận khách hàng về Volkswagen ra sao ngay đúng lúc cần thiết nhất khi hãng đang trải qua cuộc sụt giảm doanh số thảm hại tại Mỹ. “Chiếc xe bắt đầu làm sống lại thương hiệu Volkswagen và một lần nữa biến thiết kế thành thế mạnh của họ”, Von Holzhausen chia sẻ.

Von Holzhausen đã trải qua 8 năm tại VW, leo lên từng nấc thang trong đội ngũ thiết kế và cuối cùng, chuyển sang đầu quân cho GM và sau đó là Mazda. General Motors là nơi anh được dạy một bài học rằng một hãng xe lớn có thể trở nên xấu xí như thế nào. Không chiếc xe nào trong đội hình GM khiến anh hứng thú và việc gây ảnh hưởng đến văn hóa công ty là không thể.

Anh là một thành viên trong hàng nghìn người thuộc đội ngũ thiết kế, được phân công bừa bãi mà chẳng thèm cân nhắc xem ai thực sự thích làm việc với mẫu xe nào. Trái lại, Mazda rất cần Von Holzhausen. Họ cho phép Franz và nhóm của anh tạo dấu ấn trên từng chiếc xe trong dàn xe được sản xuất tại Bắc Mỹ, cũng như sản xuất một loạt những mẫu xe mới nhằm tái định hình phong cách thiết kế của công ty. “Chúng tôi đã mang triết lý thiết kế zoom-zoom trở lại với ngoại hình đầy cảm xúc, hứa hẹn trải nghiệm thực sự thú vị.”

Đầu năm 2008, một người bạn nói với Von Holzhausen rằng Tesla đang tìm kiếm một thuyền trưởng thiết kế mới. Sau cả tháng trao đối với trợ lý của Musk, Mary Beth Brown, cuối cùng Von Holzhausen đã được gặp Musk tại một cuộc phỏng vấn tại trụ sở SpaceX. Trông thấy Von Holzhausen trong bộ quần áo lồng phồng sành điệu cùng tác phong thoải mái, Elon Musk ngay lập tức nhận ra anh là mảnh ghép mà Tesla còn thiếu.

Musk đã ra sức thuyết phục nhà thiết kế có tâm hồn tự do, sáng tạo này. Anh sắp xếp 1 chuyến thăm quan nhà máy SpaceX cho Von Holzhausen và trụ sở của Tesla tại Thung lũng Silicon. Musk thuyết phục Von Holzhausen rằng anh sẽ có cơ hội định hình tương lai ngành xe hơi thay vì chôn chân tại một vị trí nhàn hạ tại một hãng xe danh tiếng. Họ dạo quanh trụ sở Tesla bằng 1 chiếc Roadster, bàn luận không ngớt về nhiều chủ đề khác nhau. “Tôi biết mình có thể lưu lại Mazda thêm 10 năm nữa với thu nhập rất ổn, hoặc có một sự thay đổi lớn về đức tin. Thay đổi thế giới ư? Ai lại không muốn góp một phần công sức?”, Von Holzhausen hồi tưởng.

(còn tiếp)

Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)  

Tags: xe điện    sedan   tesla   Tesla Model S   Elon Musk   Model S   lịch sử   hãng xe