Dự kiến, nếu được Chính phủ giao, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam sẽ cần khoảng 37 tháng để hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Tân Sơn Nhất đón 3,7 triệu khách Tết Canh Tý
Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dự kiến sản lượng hành khách trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 sẽ đạt 3,7 triệu hành khách đi đến, tăng 5,95% so với cùng kỳ năm 2019.
Thời gian tính cao điểm Tết từ 10/1 - 8/2/2020 (nhằm ngày 16 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng). Số lần tàu bay hạ cất cánh đạt 25.329 lần/chuyến, tăng 6,06%.
Cụ thể, từ ngày 10/1 đến 24/1 (ngày 16 tháng Chạp đến 30 tháng Chạp) có khoảng 1.808.581 hành khách đi đến, tăng 6,24% so với cùng kỳ năm 2019. Số lượt tàu bay hạ cất cánh 12.651 lần/chuyến, tăng 6,3%.
Dịp sau Tết, từ ngày 25/1 đến 8/2 (mùng 1 Tết đến 15 tháng Giêng) lượng khách đi đến sân bay đạt 1.984.935 hành khách, tăng 5,68%. Số lần tàu bay hạ cất cánh 12.678 lần/chuyến tăng 5,83%.
Mất 37 tháng để thi công nhà ga T3 mở rộng Tân Sơn Nhất
Trong khi đó, tiến độ để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và xây nhà ga T3 phải cần ít nhất khoảng 37 tháng mới có thể hoàn thành, kể từ ngày chủ đầu tư được bàn giao chính thức.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đang chờ quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, ACV đã báo cáo Cục Hàng không và Bộ GTVT về kế hoạch đầu tư hệ thống khu bay tại Tân Sơn Nhất, trong đó bao gồm sửa chữa đường băng, đường lăn song song để động bộ khai thác với nhà ga T3 mới. Như vậy, sẽ phải tách làm 2 dự án: Dự án khu bay và Dự án nhà ga T3.
“Sau đây chúng tôi sẽ bắt tay vào lập báo cáo khả thi của dự án, lập thiết kế kỹ thuật. Dự kiến, tổng thời gian đến lúc nhà ga T3- Tân Sơn Nhất hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ mất 37 tháng- kể từ ngày ACV được bàn giao mặt bằng dự án.
Trong đó, công tác chuẩn bị mất khoảng 12 tháng, thi công mất 24 tháng và 1 tháng cho thủ tục cấp phép”- ông Thanh thông tin.
Trước đó, Bộ KH-ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không (CHK) quốc tế Tân Sơn Nhất.
Trong Báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga T3 CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị Thủ tướng xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 CHK quốc tế Tân Sơn Nhất công suất 20 triệu khách/năm do ACV thực hiện với vốn đầu tư khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn góp của ACV.
Theo đánh giá, việc đầu tư xây dựng thêm nhà ga T3 công suất 20 triệu khách/năm là phù hợp với quy hoạch của TP.HCM để nâng tổng công suất của toàn cảng lên 50 triệu khách/năm.
Theo ACV, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án được lập dựa trên cơ sở tham khảo suất đầu tư của các dự án tương tự về mức độ đầu tư về kỹ thuật.
Tân Sơn Nhất tắc nghẽn nếu không được mở rộng
Đánh giá về con số gần 11.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư, Bộ KH-ĐT cho rằng, trong giai đoạn chủ trương đầu tư, phương pháp tính toán và dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư dự án như của ACV đưa ra có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, ở bước lập báo cáo khả thi tiếp theo, ACV cần tiếp tục rà soát quy mô, khối lượng các hạng mục thuộc Dự án bảo đảm đúng định mức kinh tế kỹ thuật.
Song, đánh giá về tiến độ 37 tháng, Bộ KH-ĐT cho rằng, “khó khả thi vì dự án phải thực hiện các công việc như: Thi tuyển kiến trúc; lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi; thiết kế kỹ thuật... tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng...”.
Bộ KH-ĐT đề nghị ACV rà soát, tính toán cụ thể điều chỉnh phù hợp với thực tế và chịu trách nhiệm việc dự kiến tiến độ thực hiện dự án bảo đảm hiệu quả đầu tư và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, nhà ga CHK Tân Sơn Nhất đang quá tải, trong khi công suất thiết kế chỉ 28 triệu khách năm thì năm 2018, sân bay này đã đón hơn 38 triệu hành khách.
Theo ACV, nếu không nhanh chóng nâng cấp, mở rộng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó có nhà ga T3 để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường thì đến một lúc nào đó, thị trường sẽ phải “đóng băng” ở mức đáp ứng được.
Thời gian qua, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng đã áp dụng phương thức điều hành bay mới, để giảm tình trạng tắc nghẽn sây bay Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên, mới chỉ giải quyết được phần “trên trời”, dưới đất vẫn tắc nghẽn, chiếm tỷ lệ lớn các chuyến bay cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất bị chậm giờ so với giờ bay dự kiến.
Ngân Tuyền (ANTĐ)