Chỉ cần vượt qua tất cả các thử thách mà Tesla đưa ra trên chiếc Model 3, các hacker hoàn toàn có thể đổi đời với tổng giá trị giải thưởng lên gần 1 triệu USD (~ 23 tỷ VNĐ).
Tesla luôn đưa ra những mức thưởng hào phóng cho bất kỳ ai tìm ra lỗ hổng trong hệ thống của mình. Kể từ năm 2014, hãng đã bắt đầu treo giải thưởng khuyến khích các chuyên gia bảo mật tìm ra lỗ hồng trên xe hơi điện của họ. Khoản tiền thưởng sẽ lớn dần thậm chí lên tới hàng trăm ngàn USD tùy theo mức độ nghiêm trọng của lỗ hổng.
Năm nay tại cuộc thi Pwn2Own - cuộc thi nổi tiếng nhất thế giới dành cho các hacker mũ trắng, Tesla trở thành đề bài cho một cuộc thi nổi tiếng nhất thế giới dành cho các hacker mũ trắng, đây lần đầu tiên và cũng là hãng xe hơi duy nhất xuất hiện trong đề thi của cuộc thi này. Tesla đưa ra các hạng mục bài toán trong cuộc thi lần này và tổng giá trị giải thưởng lên tới gần 1 triệu USD (~23 tỷ VNĐ).
Giải thưởng lớn nhất trị giá 250.000 USD (~5.8 tỷ VNĐ) sẽ dành cho cá nhân hoặc nhóm đầu tiên có thể bẻ khóa một trong ba hệ thống nội bộ quan trọng của Tesla: hệ thống Gateway, hệ thống lái tự động Autopilot và VCSEC. Ngoài ra, một cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDOS) thực hiện thành công cũng được thưởng 50.000 USD (~1.2 tỷ VNĐ)
Ở trên xe Tesla, hệ thống Gateway đóng vai trò như đầu mối điều khiển dòng dữ liệu chạy trong xe. Đây là trung tâm kết nối hệ thống dẫn động, khung gầm và các thành phần khác của xe, đồng thời chịu trách nhiệm xử lý dữ liệu của những chi tiết này. Kiểm soát được hệ thống đó hacker sẽ được trao quyền điều khiển phần lớn các chức năng vận hành của chiếc xe.
Đối với hệ thống Tesla Autopilot thì sao, hãy thử tượng tượng nếu bạn đang sử dụng chế độ lái xe tự động nhưng bạn không hề hay biết chức năng này lại không thể hoạt động được nữa và hậu quả sẽ vô cùng khôn lường. Autopilot là một hệ thống giúp chiếc xe tự động kiểm soát làn đường, chuyển làn, đỗ xe và các chức năng khác. Vì vậy, việc mà hệ thống này bị thao túng sẽ gây rất nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Còn VCSEC, đây là một phần quan trọng của Tesla chịu trách nhiệm cho hàng loạt các chức năng bảo mật, bao gồm cả việc phát đi các cảnh báo. Nếu các hacker mà dễ dàng kiểm soát được bộ phận này thì sự tồn tại của Tesla sẽ chẳng có ý nghĩa gì.
Bên cạnh đó còn có phần thưởng 100.000 USD (~2.3 tỷ VNĐ) dành cho cuộc tấn công vào key fob hoặc điện thoại được sử dụng để kết nối xe hơi. Khởi động được chiếc xe mà không cần dùng đến chìa khóa hay mã khóa hợp lệ cũng sẽ nhận được mức thưởng này.
Các giải thưởng nhỏ hơn từ 35.000 USD (~ 800 triệu VNĐ) cũng sẽ được trao cho mỗi lỗ hổng được khai thác thành công từ hệ thống điều khiển, quản lý thiết bị, giải trí, kết nối Wi-Fi, Bluetooth… trên chiếc Model 3. Ngoài ra để khuyến khích thêm cho các hacker, hãng Tesla cũng mạnh mẽ tuyên bố bổ sung thêm giải thưởng là một chiếc Model 3 cho việc xâm nhập thành công hệ thống máy tính trên chính chiếc xe này.
Những chi tiết của các lỗ hổng được phát hiện trong cuộc thi sẽ được gửi trực tiếp tới Tesla và giấu kín cho đến khi bản vá được phát hành.
Có thể thấy đây là một cách làm rất khôn ngoan của Tesla, bởi sau mỗi lần như vậy hãng sẽ càng thêm phần củng cố chặt chẽ về tính bảo mật và tiến tới sự hoàn hảo trong các sản phẩm của mình. Phó chủ tịch phụ trách phần mềm phương tiện của Tesla – David Lau từng phát biểu: "Chúng tôi phát triển những chiếc xe của mình với tiêu chuẩn an toàn cao nhất trên mọi khía cạnh, công việc của chúng tôi với cộng đồng nghiên cứu bảo mật là vô giá". Vây nên những phần thưởng rất lớn mà Tesla dành tặng cho những ai tìm ra lỗ hổng trên sản phẩm của họ là hoàn toàn xứng đáng.
Raica (Tuoitrethudo)