Trong quá trình xử lý vi phạm liên quan đến việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông của người dân, rất nhiều câu chuyện bi hài khiến lực lượng CSGT phải… đau đầu. Tuy nhiên, vi phạm thì phải xử lý nghiêm, bất luận lý do đó là gì để tránh những hậu họa khó lường có thể xảy ra.
“Các chú thông cảm, hôm nay có thông gia đến chơi, chả nhẽ tiếp khách quý mà lại không uống chén nào?”; “Bố vợ mất nên em cũng có hơi quá chén”; “Hôm nay người yêu cũ của em đi lấy chồng, buồn quá anh ạ, nên e mới ra làm vài chén rượu ốc”; “Trời nóng quá nên tôi uống vài cốc bia giải khát thôi chứ có uống nhiều đâu”…
Đó là những lý do, những câu chuyện bi hài trong quá trình xử lý vi phạm giao thông của lực lượng Cảnh sát giao thông Thủ đô. Tuy nhiên, lý do dù có là gì thì vẫn bị xử lý.
“Thực tế cho thấy, phong tục tập quán của người Việt là ngày giỗ chạp, lễ Tết, hay những dịp đặc biệt, thậm chí là vui vui cũng có thể rủ nhau uống vài chén rượu, cốc bia. Điều này thì ai cũng hiểu, và chúng tôi không cấm người dân uống rượu bia. Nhưng họ phải có trách nhiệm với hành vi của mình, tuân thủ quy định của pháp luật - “Đã uống rượu bia thì không lái xe” - Chỉ huy Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội nhìn nhận.
Người đàn ông này cho biết, do trời nắng háo quá nên uống vài cốc giải khát
Đánh giá tình hình tai nạn giao thông thời gian gần đây, Phòng CSGT Hà Nội nhận định, lái xe sử dụng rượu bia và các chất kích thích là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Và thực tế đã cho thấy, không chỉ trên địa bàn Hà Nội mà nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, thực trạng này cũng đang có những diễn biến phức tạp.
Chính vì vậy, xuyên suốt từ khi Luật phòng chống tác hại của rượu bia đi vào thực tế cuộc sống, lực lượng CSGT - CATP Hà Nội đã triển khai kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn xuyên suốt, để từ đó nâng cao trách nhiệm và ý thức của người tham gia giao thông.
Có mặt tại nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Nghiêm Xuân Yêm, quận Hoàng Mai, Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên An ninh Thủ đô, chỉ trong 15 phút, đã có tới gần chục trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.
Anh Trương Công T., SN 1981, trú tại quận Hoàng Mai khi bị xử lý vi phạm nồng độ cồn cho biết: “Hôm nay chúng tôi vừa hoàn thành đổ sàn bê tông, chủ nhà họ đưa mấy trăm nghìn đồng cho anh em đi uống cốc bia. Tôi có say đâu, vẫn lái xe bình thường mà”.
Người này khi được yêu cầu đo nồng độ cồn đã cố tình thổi sai, gây khó khăn cho lực lượng Cảnh sát giao thông
Thậm chí còn khăng khăng bản thân không hề vi phạm
Còn với ông Hồ Văn T., SN 1962 (Thanh Hóa) thì cho rằng, trời nắng nóng như này háo quá uống vài cốc bia để giải khát thì cũng không ảnh hưởng gì. Hay như trường hợp ông Đoàn Phi H., SN 1965, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội lại bao biện, do mẹ ốm, buồn quá nên đi làm vài chén.
Khi được hỏi có biết rằng uống rượu bia rồi lái xe nguy hiểm thế nào không?! Thì ông Hồ Văn T. gật đầu nói: “Biết là cũng nguy hiểm nhưng uống ít thì có sao đâu”. Và rõ ràng, chẳng ai nhận mình sai khi lái xe mà nồng độ cồn trong máu vượt quá quy định. Bản thân họ không nhận thức được mối nguy hại cho chính mình và những người tham gia giao thông, thì những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng sẽ còn tái diễn.
Đa số những người vi phạm nồng độ cồn đều không nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông cho bản thân và những người xung quanh
Thiếu tá Đặng Đình Hoàng - Tổ trưởng tổ tuần tra kiểm soát, Đội CSGT số 14, Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội cho biết: “Đa số các trường hợp bị xử lý vi phạm nồng độ cồn đều cho rằng họ uống ít, không nguy hiểm. Thậm chí có những người có hành vi chống đối, nhưng là những người làm nhiệm vụ trên đường, chúng tôi trước tiên sẽ giải thích để họ hiểu và chấp hành. Còn với những trường hợp cố tình chống đối, sẽ phối hợp với công an cơ sở có biện pháp xử lý”.
Cũng theo ghi nhận của phóng viên An ninh Thủ đô, không ít trường hợp khi được CSGT yêu cầu đo nồng độ cồn thì cố tình thổi sai, gây khó dễ, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, ngược lại với thái độ thách thức, khó chịu của người vi phạm, các chiến sĩ CSGT Thủ đô vẫn kiên nhẫn hướng dẫn, giải thích, và đặc biệt nhấn mạnh những nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.
Đối với chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, Phòng CSGT – CATP Hà Nội thông tin, bên cạnh tổ chức những tổ tuần tra kiểm soát bố trí vào các khung giờ từ 10h đến 14h chiều và 14h chiều đến 1h sáng hôm sau tại các tuyến, trục đường có nhiều nhà hàng, quán nhậu, karaoke, lực lượng CSGT sẽ tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức với mục tiêu “mưa dầm thấm lâu” để người dân tự nhận thức được trách nhiệm của bản thân khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Chỉ tính riêng ngày đầu cao điểm ra quân theo Kế hoạch của Bộ Công an và Cục CSGT (20-6), các đơn vị thuộc Phòng CSGT - CATP Hà Nội đã xử lý 100 trường hợp điều khiển phương tiện mà có nồng độ cồn trong máu vượt quá quy định. Thời gian tới, lực lượng CSGT Thủ đô sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia và các chất kích thích.
Thuỳ An (ANTĐ)