Đóng
 

Chủ nhật, 28/04/2024 | 04:27
09:49  |  12/07/2023

Bộ Giao thông muốn luật hóa việc kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe máy

Dự thảo Luật Đường bộ sửa đổi đang được Bộ GTVT soạn thảo, lấy ý kiến dự kiến sẽ có quy định kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy.

Khí thải xe cơ giới gây ô nhiễm môi trường hàng đầu

Lý giải việc đề xuất quy định này, theo Bộ GTVT, báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016, phát thải khí thải từ xe cơ giới được nhận định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, xe mô tô, xe gắn máy là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất.

Trong khi đó, Luật Đường bộ năm 2008 vẫn chưa có quy định về kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy.

Bộ GTVT cho rằng, lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhằm tổ chức quản lý, kiểm soát nguồn khí thải do hoạt động của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây ra.

Hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm không khí chỉ mới được áp dụng đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu, chưa áp dụng đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông.

Khí thải xe cơ giới là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm môi trường

Theo Bộ GTVT, nếu Luật Đường bộ sửa đổi vẫn không quy định việc kiểm soát khí thải với mô tô, xe máy sẽ làm gia tăng lượng khí thải phát sinh, gây ô nhiễm không khí, tăng chi phí cho những vấn đề về bảo vệ sức khỏe của người dân, bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các đô thị lớn.

Mặt khác, không khuyến khích được người dân, doanh nghiệp sử dụng các phương tiện giao thông công nghệ mới, giao thông đa tính năng, giảm thải ô nhiễm môi trường…

Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất quy định áp dụng lộ trình kiểm soát khí thải trong Luật Đường bộ. Ngoài các tác động tích cực với xã hội, với người sử dụng sẽ phải bỏ chi phí bảo dưỡng định kỳ cho phương tiện.

Tuy nhiên chi phí này sẽ được bù đắp bằng việc giảm chi phí sửa chữa phương tiện cho những hư hỏng phát sinh do thiếu sự kiểm tra thường xuyên, bảo dưỡng định kỳ, tăng hiệu quả khai thác phương tiện. Như giảm thời gian dừng khai thác phương tiện do hư hỏng, kéo dài tuổi thọ và duy trì khả năng khai thác phương tiện, giảm chi phí nhiên liệu.

Một điểm đo, kiểm tra khí thải xe máy trên địa bàn Hà Nội triển khai vào năm 2021

Kiểm tra định kỳ theo lộ trình

Để chứng minh hiệu quả của đề xuất, Bộ GTVT cũng dẫn lại tính toán của dự án “Nghiên cứu thực trạng phát thải của xe máy đang lưu hành hướng tới kiểm soát khí thải, góp phần cải thiện môi trường không khí”, nếu người sử dụng xe thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất thì có thể kiểm soát tốt lượng khí thải, giảm mức tiêu hao nhiên liệu của xe 7%, tương đương với lượng nhiên liệu tiết kiệm được là 170.632 đồng/năm (tính theo giá xăng tháng 11.2018).

Chi phí này cao hơn, so với việc người dân sẽ mất khoảng 110.000 đồng/xe để bảo dưỡng và thay thế phụ tùng cho phần khí thải, đây cũng là chi phí bảo dưỡng đương nhiên để đảm bảo hiệu quả khai thác và độ bền của xe trong quá trình sử dụng.

Cũng theo tính toán của dự án này, để bù đắp chi phí đầu tư, vận hành trạm kiểm định chi phí kiểm định cho mỗi xe khoảng 35.000 đồng/lần/năm.

"Như vậy, nếu thực hiện kiểm soát khí thải thì người dân không bị tăng chi phí mà còn tiết kiệm được 25.632 đồng/xe/năm trong trường hợp Nhà nước có tiến hành thu phí kiểm định khí thải", Bộ GTVT nêu.

Dự thảo Luật Đường bộ quy định xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo lộ trình thực hiện và mức tiêu chuẩn khí thải do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về kiểm định, miễn kiểm định lần đầu an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới; quy định về cải tạo xe cơ giới; quy định trình tự, thủ tục, nội dung kiểm định về khí thải xe mô tô, xe gắn máy; quy định đối với xe cơ giới thuộc đối tượng nghiên cứu phát triển có nhu cầu tham gia giao thông đường bộ; trình Thủ tướng Chính phủ lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải của xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông.

Từ lâu, TP Hà Nội và TP.HCM đều đã có ý kiến, đồng thời đề xuất về việc triển khai kiểm soát khí thải đối với xe máy thông qua kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên, do vướng luật nên đến nay vẫn không thể triển khai được.

Cục Đăng kiểm từ lâu cũng đã xây dựng lộ trình kiểm soát khí thải với xe máy theo Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt, nhưng đến hiện tại cũng chỉ dừng lại ở mức xây dựng Đề án mà chưa hề được triển khai trong thực tế.

Ngân Tuyền (ANTĐ)