Đối với nhiều người, xe ô tô gầm cao, có cấu hình từ 5 - 7 chỗ ngồi đều được gọi là xe SUV. Tuy nhiên, quan niệm này hoàn toàn không chính xác và cần được hiểu đúng.
Trước khi đi vào tìm hiểu chi tiết về 2 dòng xe SUV và CUV thì cần hiểu rõ, SUV và CUV là gì và có cấu tạo khung gầm như thế nào?
Trên thực tế, SUV là viết tắt của cụm từ Sport Utility Vehicle, ý chỉ loại xe gầm cao đa dụng với đặc tính to lớn, khoảng sáng gầm xe cao và có khả năng vượt địa hình khó. Xe SUV có kết cấu thân ở trên khung (body on frame) tương tự các loại xe tải hạng nhẹ. Loại khung này gồm thân vỏ xe rời đặt trên hệ thống chassis (sắc-xi). Trong đó, phần chassis và thân xe được sản xuất riêng lẻ rồi lắp ráp với nhau. Tại Việt Nam, một ví dụ phổ biến về xe SUV chính là Ford Everest.
Đối với CUV, đây là tên viết tắt của cụm từ Crossover Utility Vehicle, ý chỉ loại xe phục vụ cho nhu cầu gia đình với thiết kế nhỏ gọn, gầm cao hơn dòng Sedan nhưng lại thấp hơn dòng SUV. Dòng xe CUV có kết cấu thân liền khung (unibody) và vẫn có thể sử dụng để vượt các loại địa hình. Tuy nhiên, khả năng off-road trên những đoạn đường có độ khó cao của dòng xe CUV sẽ bị giới hạn đáng kể khi so với dòng xe SUV. Một ví dụ phổ biến về xe CUV tại Việt Nam có thể kể tới như Ford EcoSport (CUV cỡ B).
Từ đó, có thể hiểu quan niệm xe ô tô gầm cao với cấu hình từ 5 - 7 chỗ đều được gọi là SUV là một định nghĩa không chính xác.
Dòng xe SUV có kết cấu khung gầm bằng thép cứng (giống xe tải) nên khả năng tránh vặn xoắn trên địa hình khó, chịu tải hay off-road đều vượt trội hơn so với xe CUV
Về hệ thống treo
Đối với hệ thống treo, các mẫu SUV thường được trang bị hệ thống treo phụ thuộc. Với loại treo này, các bánh xe sẽ được đỡ bằng một hộp cầu xe hoặc dầm cầu nối liền 2 bánh này lại, các chi tiết hệ thống treo sẽ nối dầm cầu với thân xe.. Hệ thống treo phụ thuộc có các chi tiết ít và đơn giản hơn so với các loại hệ thống treo khác. Đặc biệt, hệ thống treo phụ thuộc có độ bền cao và khả năng chịu tải tốt nên thích hợp khi sử dụng trên các mẫu xe sử dụng kết cấu khung vỏ rời (body-on-frame).
Tuy nhiên, hệ thống treo phụ thuộc cũng tồn tại một vài nhược điểm như tính ổn định và độ êm ái chưa cao. Để khắc phục điều này, trên một số mẫu SUV cao cấp như Ford Everest được trang bị thêm thanh cân bằng, độ giảm chấn và hệ số đàn hồi của lò xo tinh chỉnh giúp kiểm soát sự êm ái và ổn định cao hơn. Ngoài ra, mẫu xe này còn được thiết kế thêm các thanh thép chịu lực dọc cánh cửa xe nhằm bảo vệ người dùng từ mọi phía khi xảy ra va chạm.
Ford Everest là ví dụ tiêu biểu nhất cho một mẫu SUV 7 chỗ đích thực với khả năng vận hành và vượt địa hình mạnh mẽ, tiện nghi và êm ái cùng mức giá cạnh tranh trong phân khúc
Đại diện phân khúc CUV (cỡ B) tại Việt Nam - Ford EcoSport
Còn trên các mẫu xe CUV, hệ thống treo thường được trang bị là loại treo độc lập với cấu tạo mỗi bánh xe được lắp trên một tay đỡ riêng gắn vào thân xe tạo ra sự linh hoạt và chủ động cho mỗi bánh. Nhờ đó, hai đầu bánh xe có thể chuyển động riêng lẻ mà không gây ảnh hưởng tới nhau.
So sánh với hệ thống treo phụ thuộc, hệ thống treo độc lập có tính êm ái cao nhưng có cấu tạo lại phức tạp, việc bảo trì và bảo dưỡng cũng nhiều khó khăn hơn.
Cách bố trí động cơ
Đối với các mẫu xe SUV, động cơ được nhà sản xuất thiết kế theo dạng nằm dọc nhờ nhiều đặc tính vượt trội. Thứ nhất, động cơ đặt dọc giúp việc phân bố trọng lực đều hơn trên cầu trước và cầu sau, điều này tác động trực tiếp tới khả năng cân bằng của xe. Tiếp tới, động cơ đặt dọc sẽ kết hợp dễ dàng với trục truyền động. Ngoài ra, động cơ đặt dọc còn mang tới lợi ích trông thấy về việc bảo dưỡng xe.
Đối với các mẫu xe CUV trong tầm giá 1 tỷ VNĐ tại thị trường Việt Nam, đa phần đều đang sử dụng loại động cơ được thiết kế nằm ngang. Với loại động cơ này, các ưu điểm có thể kể tới như sự tối ưu trong cách bố trí khoang máy, chiều dài của phần ca-pô được điều chỉnh ngắn lại giúp tăng khả năng quan sát và chi phí sản xuất được tiết kiệm. Bên cạnh đó, thiết kế động cơ nằm ngang thường xuất hiện trên các mẫu xe sử dụng hệ dẫn động cầu trước.
Hoàng Vũ (Tuoitrethudo)