Đóng
 

Thứ bảy, 23/11/2024 | 10:30
15:51  |  13/02/2020

Phạt tới 20 triệu đồng đối với lái xe đi ngược chiều trên đường một chiều gây tai nạn

Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ tăng nặng mức phạt với lỗi đi ngược chiều. Theo đó, từ năm 2020, mức phạt đối với hành vi này lên tới 20 triệu đồng, tăng mạnh so với quy định trước đó (Nghị định 46/2016/NĐ-CP).

Phạt nặng đối với lỗi đi ngược chiều

Theo quy định hiện hành, lỗi đi ngược chiều được xác định tại một trong các trường hợp: Đi ngược chiều của đường một chiều; Đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều".

Đối với hành vi đi trên đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, mức phạt cụ thể như sau: Ô tô bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng, xe máy bị phạt từ 1-2 triệu đồng và xe đạp từ 200-300.000 đồng.

Như vậy, so với Nghị định 46/2016/NĐ-CP, mức phạt đối với ô tô tăng mạnh nhất, từ mức tối đa 1,2 triệu đồng lên mức 5 triệu đồng. Mức phạt đối với lỗi đi ngược chiều của xe máy tăng từ  mức 400.000 đồng lên mức tối đa 2 triệu đồng. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm lỗi này còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1 - 4 tháng.

Người điều khiển ô tô đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định sẽ bị phạt từ 16 - 18 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 5-7 tháng.

Đặc biệt, người đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” mà gây tai nạn giao thông sẽ có mức phạt cao hơn, đối với ô tô sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng, xe máy bị phạt từ 4 - 5 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định mức phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; quay đầu xe trên đường cao tốc.

Mức phạt từ 3 - 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc; không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc. 

Đối với hành vi đón, trả khách trên đường cao tốc, theo Nghị định mới, người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự xe ô tô chở hành khách, chở người sẽ bị phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 2 - 4 tháng.

Điều khiển xe không gương bị  phạt bao nhiêu tiền?

Gương chiếu hậu là bộ phận được thiết kế trên xe dùng để quan sát phía sau. Cả ô tô và xe máy đều phải đáp ứng được yêu cầu này mới được lưu thông trên đường.

Tuy nhiên, nếu như ô tô phải có đủ gương chiếu hậu ở cả hai bên thì xe máy chỉ cần có gương chiếu hậu đủ tiêu chuẩn bên trái.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt không gương đối với ô tô là từ 300.000 - 400.000 đồng, xe máy từ 100.000-200.000 đồng (quy định cũ từ 80.000 - 100.000 đồng). 

Tuy vậy vẫn có trường hợp xe máy lưu thông trên đường có đủ gương nhưng lái xe vẫn bị phạt. Đó là khi gương không có tác dụng, không giúp lái xe quan sát được phía sau. Loại gương này không đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, kích thước, hệ số phản xạ, bề mặt phản xạ, độ bền va chạm…được quy định tại QCVN 28:2010/BGTVT.

H.L (ANTĐ)

Tư vấn

Lựa chọn SUV phân khúc 1,5 tỷ liệu có khó?

Tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe SUV cỡ 1,5 tỷ luôn là phân khúc khác biệt hoàn toàn so với các phân khúc giá rẻ, bởi khách hàng lựa chọn mua xe ở phân khúc này đều có những...