Đóng
 

Thứ năm, 21/11/2024 | 21:53
12:13  |  14/02/2020

Hiệp định EVFTA có hiệu lực: Xe nhập châu Âu về Việt Nam giá sẽ rẻ hơn

Việc Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Chính phủ Việt Nam được thông qua sẽ mang tới nhiều cơ hội phát triển lớn cho toàn bộ ngành công nghiệp xe trong nước. Tất nhiên, bên cạnh đó cũng là không ít những thách thức dành cho doanh nghiệp Việt. 

Theo đó, vào ngày 12/2/2020 vừa qua, Nghị viện châu Âu (EU) đã chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Chính phủ Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sau 9 năm đàm phán không mệt mỏi của cả hai bên. Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình, tạo thuận lợi cho các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU và ngược lại như: dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ... Và đặc biệt trong đó có cả mặt hàng ô tô.

Cụ thể, theo Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) với lĩnh vực ô tô, thuế suất xuất/nhập khẩu xe giữa Việt Nam và châu Âu sẽ được hưởng mức ưu đãi giảm dần về mức 0%. Hiện nay, mỗi doanh nghiệp nhập khẩu xe đều phải chịu 3 loại thuế chính đánh vào giá xe là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. 

Đầu tiên, đối với những xe ô tô con dưới 9 chỗ ngồi nhập từ thị trường châu Âu, Mỹ và nhiều nước, thuế nhập khẩu áp dụng hiện ở mức 70-80%. Đối với những xe ô tô con dưới 9 chỗ ngồi nhập từ thị trường ASEAN mức thuế nhập khẩu là 0%. Tất nhiên, mức thuế này chỉ áp dụng với những xe có tỷ lệ nội địa hoá trong ASEAN từ 40%. Tiếp tới là thuế tiêu thụ đặc biệt phụ thuộc vào dung tích xy-lanh động cơ, hiện đang được quy định trong dải từ 35 - 150%. Và cuối cùng, áp dụng cho tất cả các loại xe là thuế giá trị gia tăng 10%. 

Như vậy, khi mức thuế nhập khẩu xe từ thị trường châu Âu về Việt Nam về mức 0% theo Hiệp định EVFTA, giá xe trên lý thuyết sẽ có sự điều chỉnh giảm rõ rệt và mạnh mẽ. Đặc biệt, giá trị của xe càng lớn thì mức ưu đãi càng nhiều. 

Tuy nhiên, tất cả chỉ dựa trên lý thuyết hoặc ít nhất để giá xe giảm như kỳ vọng có lẽ cũng phải tốn thêm khá nhiều thời gian. Trường hợp thuế nhập khẩu xe giảm nhưng giá xe chưa giảm đã và đang xảy ra ở thời điểm hiện tại. Trước đó, trong Hiệp định Thương mại Hàng hoá ASEAN (ATIGA) nêu rõ, thuế nhập khẩu ô tô (đạt tỉ lệ nội địa hóa 40% trong khối) từ các nước thành viên trong ASEAN vào Việt Nam là 0%. Thực tế, giá xe ô tô nhập khẩu từ ASEAN trong nước đã có phần dễ chịu hơn nhưng xét trên bình diện trong khu vực, chắc chắn nhiêu đó vẫn chưa được như kỳ vọng. Lý giải nguyên nhân, các thương hiệu có lượng xe nhập cao trong khối đều có những giải thích riêng và khá quen thuộc cho việc ít giảm giá xe như bổ sung thêm trang bị, điều chỉnh chi phí, bù lỗ... 

Bên cạnh việc giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với các xe ô tô từ châu Âu về Việt Nam, Hiệp định EVFTA còn tạo điều kiện ngược lại cho việc xuất khẩu ô tô từ Việt Nam sang châu Âu nếu đạt đủ điều kiện kiểm định. Đây thực sự là một cơ hội lớn, mở ra thị trường mới giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực sản xuất xe. Tất nhiên, đi kèm với thuận lợi bao giờ cũng là những thách thức lớn được đặt ra, đặc biệt là về tiêu chuẩn của thị trường. 

Ngày 24/11/2019, doanh nghiệp Việt - THACO tiến hành xuất khẩu 120 xe Kia Cerato sang thị trường Myanmar

Châu Âu, một thị trường lớn và giàu tiềm năng cho hầu hết các hãng xe trên thế giới. Trung bình mỗi năm, "Lục địa già" tiêu thụ khoảng hơn 15 triệu xe ô tô các loại từ mọi nhãn hiệu, chiếm thị phần lớn trên tổng doanh số xe bán ra trên toàn cầu. Tuy nhiên, châu Âu cũng nổi tiếng là một thị trường khó tính với những tiêu chuẩn an toàn, khí thải và điều kiện khắt khe, nghiêm ngặt nhất. Lấy ví dụ như Nhật Bản, một đất nước có những thương hiệu xe hơi lừng danh và thống trị ở nhiều khu vực khi bước chân sang châu Âu cũng gặp phải không ít khó khăn và trắc trở. Điều đó cũng được chứng minh rõ nét qua bảng xếp hạng 10 mẫu xe bán chạy nhất ở châu Âu năm 2018, chỉ có duy nhất 2 mẫu xe của Nhật Bản lẻ loi giữa "rừng xe" nội địa. 

Nhiều doanh nghiệp Việt đang có chủ trương đầu tư và xuất khẩu xe sang nước ngoài, trong đó có châu Âu. Đây là một tín hiệu tích cực cho toàn nền công nghiệp xe trong nước

Xe VinFast từng nhiều lần bị bắt gặp thử nghiệm tại châu Âu

Chính vì vậy, việc giảm thuế xuất khẩu xe từ Việt Nam vào châu Âu theo EVFTA chỉ là bước khởi đầu của một hành trình đầy gian nan và không ít khó khăn, thách thức. Qua đó, đòi hỏi ở các doanh nghiệp xe Việt sự đầu tư nghiên cứu và sản xuất thực sự nghiêm túc, bài bản với định hướng đúng đắn để có thể nắm bắt được cơ hội lớn này. 

Hoàng Vũ (Tuoitrethudo)

Ảnh: Motor.es; Trang ngoại giao kinh tế trực tuyến (Bộ Ngoại giao)

Tư vấn

Lựa chọn SUV phân khúc 1,5 tỷ liệu có khó?

Tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe SUV cỡ 1,5 tỷ luôn là phân khúc khác biệt hoàn toàn so với các phân khúc giá rẻ, bởi khách hàng lựa chọn mua xe ở phân khúc này đều có những...